Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm thế nào?
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.
Theo các tài liệu, chủng virus này thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Do virus gây bệnh được phát hiện ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì khỉ không phải là tác nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh này. Theo WHO, nhiều khả năng loài gặm nhấm chính là nguồn lây lớn nhất nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác.
Kể từ năm 2016, các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận tại Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria, đây là những nơi đã trải qua đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lớn nhất gần đây, tỷ lệ mắc mới cao gấp 20 lần so với trước đó được giải thích là do việc ngừng tiêm chủng vắc xin đậu mùa vào năm 1980.
Đậu mùa khỉ hiện nay có 2 chủng, với khả năng gây tử vong lần lượt là 1% hoặc 10%, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng rủi ro của căn bệnh này hiện nay đối với cộng đồng còn thấp. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 22/5/2022, có đến 92 ca đậu mùa khỉ xuất hiện và 28 trường hợp nghi nhiễm tại 12 quốc gia, WHO dự đoán sắp tới các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi phạm vi giám sát của WHO được mở rộng.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt, đau đầu,… Các nhà khoa học cho biết, căn bệnh này khó lây lan hơn so với dịch Covid-19. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ vẫn có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Với Covid - 19, nguy cơ lây nhiễm đến từ giọt bắn. Nhưng bệnh đậu mùa khỉ lại lây nhiễm là tiếp xúc gần hay dùng chung đồ với người nhiễm bệnh. Chính vì thế bạn cần tránh sử dụng chung đồ cá nhân hay giường ngủ với người đang nhiễm bệnh để tránh bị truyền nhiễm.
Dựa theo những phân tích y khoa, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính cần lưu ý:
- Lây nhiễm thông qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm vi rút
- Người ăn thịt động vật và động vật bị ăn thịt đó đang nhiễm bệnh
- Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ cần 5 -21 ngày mới có thể nhìn thấy. Khi đó, da bắt đầu chịu tổn thương. Song song với tổn thương da là tổn thương đường hô hấp hay niêm mạc tại mắt, mũi, miệng. Đối với con người bệnh này có thể lây qua giọt bắn nhưng khoảng cách là ngắn nên nếu không tiếp xúc gần sẽ không dẫn đến lây nhiễm cao. Bạn có thể dựa vào đó để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Mức độ nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ
Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh trong vòng từ 5 đến 21 ngày. Giai đoạn khởi phát của bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khá điển hình như mệt mỏi, đau đầu, sốt, ớn lạnh,... Người bệnh cũng có thể xuất hiện nổi ban ở vùng mặt, lòng bàn tay, bàn chân và đặc biệt ở cơ quan sinh dục.
Phần lớn những trường hợp người bệnh bị nhiễm virus đậu mùa khỉ sẽ hồi phục sức khỏe sau 2 đến 4 tuần kể từ khi xuất các triệu chứng gây bệnh. Thêm vào đó, có một số trường hợp mắc bệnh gặp phải biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng phổi, viêm phổi, nhiễm trùng mắt gây mất thị giác và thậm chí có thể gây ra tình trạng tử vong cho người bệnh.
Với trường hợp người bệnh là trẻ em hoặc người có bệnh lý nền hoặc có sức đề kháng yếu thì sẽ thường xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ sẽ cao hơn so với người trưởng thành.
Phương pháp giúp để chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ có thể cần phải khai thác tiền sử bệnh lý để kiểm tra đối tượng nghi ngờ nhiễm virus đã từng mắc bệnh, hoặc có tiếp xúc với người bệnh đậu mùa khỉ, hoặc có thể bị động vật cào, cắn... Từ đó, để có chứng cứ chắc chắn và rõ ràng hơn các chuyên gia y tế sẽ thực hiện thêm xét nghiệm PCR và sinh thiết để có những dữ liệu quan trọng cũng như đưa ra chẩn đoán xác định cho điều trị bệnh.
Cách phòng ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ
Với những biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ, chúng ta không nên chủ quan về căn bệnh này. Đặc biệt hơn là những đối tượng có hệ miễn dịch kém, người già, trẻ em. Mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau trong việc giúp phòng ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ:
- Trong trường hợp có những biểu hiện bất thường nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, thì bạn nên tự cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời tự liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn trực tiếp trong điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
- Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần phải đảm bảo phòng hộ để tránh nhiễm khuẩn chéo. Với những trường hợp cần tiếp xúc trực tiếp để chăm sóc người bệnh thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh.
- Cần sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc có thể tiếp xúc với các trường hợp mà có dấu hiệu của bệnh.
- Virus đậu mùa khỉ có thể bám trên các bề mặt, đồ dùng vì thế, nếu nghi ngờ có người mắc bệnh, chúng ta cần thường xuyên thực hiện vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ virus còn tồn tại trên bề mặt và có điều kiện tốt để lây nhiễm sang người lành. Khi chúng ta sử dụng chung đồ và có một người bị mắc đậu mùa khỉ thì người thứ 2 có nguy cơ mắc bệnh khá cao.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và đảm bảo chung thủy một vợ một chồng.
- Không nên tiếp xúc với những loại động vật có nguy cơ nhiễm virus đầu mùa khi chẳng hạn như những động vật bị chết, động vật đang bị bệnh, chó đồng, khỉ, và một số loại động vật gặm nhấm khác hoặc người bệnh có tiền sử mắc bệnh.
- Cần thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay bằng việc rửa tay bằng xà phòng, cồn, chất khử trùng. Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi tiếp xúc với đối tượng có nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên có thói quen vệ sinh bàn tay để tránh lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm.
- Nên lưu ý khi sử dụng các loại động vật có nguồn gốc và đảm bảo an toàn khi chế biến cũng như thức ăn phải được nấu chín. Không nên sử dụng các loại thịt tái có thể tăng cao nguy mắc bệnh.
Theo thống kê, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Những người tiếp xúc gần nơi cư trú của ca bệnh tại TP.HCM hiện sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng bất thường. Đồng thời, đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.
Hiện, HCDC vẫn đang tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/benh-dau-mua-khi-nguy-hiem-the-nao-80923.html