Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam: Không nên quá lo lắng

Mới đây, hai trường hợp tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng số ca mắc bệnh này tại Việt Nam lên con số 4.

Ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bình Dương đã ổn định. Ảnh: TTXVN phát

Ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bình Dương đã ổn định. Ảnh: TTXVN phát

Đáng chú ý, hai ca bệnh mới đây không có yếu tố lịch sử đi nước ngoài, mối lo ngại về khả năng mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng khiến nhiều người dân lo lắng. Song các chuyên gia y tế đánh giá, đậu mùa khỉ không dễ lây lan và khó bùng phát thành dịch.

Đậu mùa khỉ xuất hiện trong cộng đồng

Ngày 22/9/2023, một bệnh nhân nam, 25 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạm trú tại TP Hồ Chí Minh, đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox). Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân chỉ ở Việt Nam. Bệnh nhân hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thông tin ca bệnh đầu tiên dược ghi nhận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (gồm 4 người tại TP Hồ Chí Minh, 1 người ở Bình Dương, 3 người ở Đồng Nai). Trong 8 người này, bạn gái của bệnh nhân, 22 tuổi, đang cư trú tại tỉnh Bình Dương cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ sau đó. Những người tiếp xúc gần còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế, đồng thời chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng; theo dõi và hướng dẫn những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày; hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, nếu như 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đây được cách ly, điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài về thì 2 ca bệnh mới đây chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh nội địa.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện các thông tin cho thấy, cả hai bệnh nhân khởi bệnh tại nơi cư trú, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia, nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đậu mùa khỉ không dễ lây

Sau khi thông tin về hai ca bệnh đậu mùa khỉ được công bố, đặc biệt cả hai ca bệnh đều không có yếu tố đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người từ nước ngoài về khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang. Chị Trần Thị Hồng Hải (ngụ Quận 3) chia sẻ: “Trước đây tôi nghe nói đậu mùa khỉ có ở châu Phi nhưng hiện giờ ngay cả người Việt Nam không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người nước ngoài mà vẫn mắc bệnh thì rất đáng lo”.

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, người dân không nên quá lo lắng bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng. Về khả năng mầm bệnh có thể đang tiềm ẩn trong cộng đồng, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, nếu có mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại. “Đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi có tiếp xúc cọ xát, điển hình là quan hệ tình dục nên việc lây lan và phòng bệnh cũng tương tự như với HIV/AIDS chứ không phải lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc gần nên người dân không cần quá lo lắng, hoang mang”, bác sĩ Khanh nhận định.

Chia sẻ thêm về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) lây qua các chất tiết có mang virus từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Trước thông tin nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ nhầm lẫn giữa bệnh thủy đậu và đậu mùa khỉ, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus gây ra. Cả 2 bệnh đều lây qua tiếp xúc dịch tiết bóng nước, lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh. Thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, hồi phục… tương tự nhau. Với các triệu chứng lâm sàng như nóng sốt, diễn tiến tổn thương da bao gồm mụn nước, mụn mủ ở trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc mắt, trong miệng…Tuy nhiên, ở bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh bị sốt phát ban, mụn nước, mụn mủ gần như đồng thời, bệnh lâu khỏi hơn thủy đậu... Đặc biệt, bệnh nhân còn sốt cao, nổi hạch. Còn với bệnh thủy đậu, người bệnh cũng phát ban nhưng tổn thương xuất hiện lần lượt, diễn tiến bệnh nhanh. Ban đầu bóng nước, mụn mủ nổi trên mặt rồi lây lan ra khắp cơ thể. Các vết loét nhỏ, cạn, nên tổn thương ít hơn đậu mùa khỉ, thường sau khi khỏi bệnh ít để lại sẹo. Ngoài ra, người bệnh đậu mùa khỉ khá mệt mỏi, bởi bệnh ảnh hưởng nhiều đến thể trạng.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/benh-dau-mua-khi-xuat-hien-tai-viet-nam-khong-nen-qua-lo-lang-20230928165843323.htm