Bệnh do não mô cầu có thể 'quật ngã' người trẻ chỉ trong 24 giờ

Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện liên tiếp điều trị các ca não mô cầu nặng, đã có ca tử vong. Bệnh khởi phát với triệu chứng ho, sốt, dễ nhầm với các bệnh lý hô hấp khác.

Ngày 9/2 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận một quân nhân 25 tuổi ngừng tuần hoàn ngoại viện do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, buồn nôn và đau bụng.

Tiếp đó, vào ngày 12/2, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) thông tin về trường hợp bệnh nhi 7 tuổi có kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Bé xuất hiện hôn mê, ngừng tuần hoàn chỉ sau vài giờ nhập viện với tình trạng tỉnh táo, ho, sốt trên 38 độ C, hiện được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh do não mô cầu có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Nguồn: Unsplash

Bệnh do não mô cầu có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Nguồn: Unsplash

Tại Việt Nam, theo báo cáo thống kê bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế năm 2016, bệnh do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam (0,006/100.000 dân). Bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Các biểu hiện ban đầu của bệnh như sốt, viêm họng dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, khó phát hiện và chẩn đoán sớm.

Theo Bộ Y tế, bệnh do não mô cầu có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó hai nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi và thanh, thiếu niên.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ghi nhận khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị và tỷ lệ tử vong lên đến 15% dù được điều trị kịp thời. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau bệnh do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…

Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Theo Cục Y tế dự phòng, có từ 10-20% người mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không có biểu hiện triệu chứng là nguồn lây bệnh khó kiểm soát. Trong đó, các nghiên cứu ước tính có tới 24% thanh thiếu niên 19 tuổi mang vi khuẩn não mô cầu cao mà không có triệu chứng.

Các chuyên gia lý giải do tỷ lệ người lành mang trùng cao và thường xuyên có các hành vi thân mật như hôn nhau, hút thuốc lá hoặc sinh hoạt ở nơi tập trung đông người như ký túc xá, câu lạc bộ, trường học, lễ hội… nên nhóm thanh, thiếu niên có nguy cơ lây bệnh cao hơn.

Thói quen tụ tập bạn bè, hay xê dịch nhiều nơi nhưng không có ý thức phòng ngừa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh do não mô cầu ở người trẻ. Nguồn: Freepik

Thói quen tụ tập bạn bè, hay xê dịch nhiều nơi nhưng không có ý thức phòng ngừa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh do não mô cầu ở người trẻ. Nguồn: Freepik

Ngoài ra, việc tiêm chủng vắc xin hiện chỉ được quan tâm nhiều ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, trong khi thanh thiếu niên ít được chú ý - nhóm có lối sống như thích tụ tập ở nơi đông người, ở chung ký túc xá, tiếp xúc thân mật… nguy cơ lây bệnh cao.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tiêm chủng là chiến lược kiểm soát tốt nhất giúp dự phòng bùng phát các vụ dịch và các ca bệnh do não mô cầu. Các chuyên gia cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó 6 nhóm A, B, C, X, Y, W là nguyên nhân của 90% các ca bệnh não mô cầu xâm lấn trên thế giới. Hiện 5 nhóm huyết thanh gây bệnh đã có vắc xin phòng ngừa tại Việt Nam gồm nhóm ACYW của Mỹ, nhóm BC của Cuba và nhóm B của Ý.

 Các bệnh truyền nhiễm có thể để lại di chứng gây tàn tật suốt đời. Nguồn: Shutterstock

Các bệnh truyền nhiễm có thể để lại di chứng gây tàn tật suốt đời. Nguồn: Shutterstock

Thanh thiếu niên cần tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng cả 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến. Phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm trong 5 nhóm nói trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu.

Trong đó, vắc xin cộng hợp tứ giá ACYW hiện đang được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều được sử dụng. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá ACYW phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.

"Bên cạnh tiêm chủng, việc duy trì thói quen vệ sinh cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, tiếp xúc với người khác.

- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ cá nhân).

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thường xuyên lau chùi bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn.

- Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục và ngủ đủ giấc.

Mai Lộc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/benh-do-nao-mo-cau-co-the-quat-nga-nguoi-tre-chi-trong-24-gio-2373238.html