Bệnh do vi khuẩn 'ăn thịt người' Whitmore không phải bệnh lạ, không cần quá lo lắng
Sau trường hợp nữ bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn 'ăn cánh mũi' ở Bệnh viện Bạch Mai, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc một số bệnh viện khác cũng ghi nhận ca bệnh do loại vi khuẩn 'ăn thịt người' có tên Whitmore gây ra, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang.
Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vừa chính thức đưa thông tin khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh: Whitmore là bệnh ít gặp nhưng không phải hiếm, không gây thành dịch, bệnh cũng khó lây truyền từ người sang người.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Whitmore là bệnh hiếm, bệnh lạ, bệnh quay lại sau nhiều năm vắng bóng và khẳng định, căn bệnh này vẫn thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch.
“Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn" vi khuẩn Whitmore - là một loại vi khuẩn gram âm, luôn tồn tại trong bùn, đất - nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh” – GS Kính nói. Còn về việc gần đây các bệnh viện ghi nhận nhiều ca bệnh whitmore, ông Kính cho rằng, nguyên nhân vì cao điểm của các ca bệnh whitmore thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11 hàng năm.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích, "vi khuẩn ăn thịt người" thật ra trong y khoa có bàn nhưng không phải là về căn bệnh whitmore mà nhiều người đang lo lắng.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia có trong đất và nước không sạch, xâm nhập vào cơ thể qua vùng da trầy xước. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Bệnh này không dễ mắc nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ, vì thế người dân không cần phải quá lo lắng.
Vấn đề đáng ngại nhất là bệnh whitmore ít gặp nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính. Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh whitmore tại Việt Nam, chỉ có ghi nhận số mắc tại nhiều đia phương và các trường hợp nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bệnh whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện 5 biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.