Bệnh giun rồng có chữa khỏi được không?

Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một bệnh nhân với chẩn đoán mắc giun rồng Dracunculus. Bệnh giun rồng là một bệnh ký sinh trùng cực kỳ hiếm gặp. Bệnh do giun rồng Dracunculus đã được Việt Nam dập tắt trong nhiều năm qua.

 Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.

Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.

Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 44 tuổi, trú tại xã Long Cốc, nhập viện vào lúc 11h40 ngày 30/4 tại Khoa Truyền nhiễm với chẩn đoán nhiễm giun rồng Dracunculus - một căn bệnh ký sinh trùng cực kỳ hiếm gặp và từng được loại trừ tại Việt Nam.

Theo Trung tâm, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 24 ca nhiễm giun rồng, riêng huyện Tân Sơn chiếm tới 6 ca, tập trung tại các xã Thạch Kiệt (4 ca), Thu Ngạc (1 ca) và Long Cốc (1 ca). Đáng lưu ý, phần lớn bệnh nhân là nam giới, có thói quen ăn cá gỏi hoặc uống nước chưa đun sôi, đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh giun rồng Dracunculus.

Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.

Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.

1. Giun rồng Dracunculus là giun gì?

Bệnh giun rồng hay còn gọi là bệnh Guinea là căn bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tiêu hóa, do ký sinh trùng giun tròn có tên khoa học là Dracunculus medinensis. Giun rồng cũng là loại giun dài nhất trong số nhóm giun tròn có thể gây bệnh ký sinh trùng trên người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì con giun rồng cái trưởng thành, mang khoảng 3 triệu ấu trùng, có thể dài từ 600 đến 1.200 mm và đường kính 2 mm; trong khi đó giun rồng đực thì có chiều dài ngắn hơn, khoảng 400 mm.

2. Triệu chứng mắc giun rồng

Khoảng 9 - 14 tháng sau khi nhiễm giun rồng, tới khi giun cái bắt đầu di chuyển trong các mô dưới da và sắp chui ra khỏi da thì người mắc mới xuất hiện các dấu hiệu như: Sốt, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, thở hụt hơi kèm theo tình trạng da mẩn đỏ, nóng rát, tê cứng và ngứa ở vùng da mà giun cái cư trú (phổ biến là ở chân và bàn chân).

Hình ảnh giun rồng (Ảnh: ST)

Trong vài ngày tiếp theo đó, tại vùng da bị sưng tấy sẽ phồng rộp (đường kính từ 2 - 7 cm) rồi vỡ ra, tiết dịch vàng, viêm nhiễm da nghiêm trọng. Khi quan sát tổn thương có thể phát hiện một đoạn giun rồng (thường là đầu giun) có màu trắng chui ra ngoài. Nếu như không có tác động thì giun cái cũng sẽ tự chui ra khỏi da sau 3 - 6 tuần hoặc bị vôi hóa trong cơ thể.

Hiện tại không có xét nghiệm chẩn đoán nào có thể xác định những người bị mắc giun rồng hay không trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Nhiễm giun rồng có nguy hiểm không?

Theo thống kê của WHO, mặc dù tỷ lệ tử vong do giun rồng rất thấp nhưng cơn đau ở các tổn thương do giun rồng gây ra có thể làm suy nhược cơ thể và nhiều người phải chịu những khuyết tật suốt đời.

Thêm vào đó, nếu không được điều trị đúng cách, nếu bệnh nhân tự dùng tay kéo khiến giun đứt ra, khiến ấu trùng giun và chất độc trong thân giun giải phóng theo đường đi của giun cái, khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Vết thương do giun rồng gây ra có thể bị nhiễm trùng, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn khớp, áp xe, uốn ván, viêm mô bào, dẫn tới biến dạng khớp và thậm chí đe dọa tính mạng người mắc.

3. Nguyên nhân mắc bệnh giun rồng

Ở môi trường bên ngoài, ấu trùng giun rồng có thể sống khoảng 3 tuần và trở thành thức ăn cho động vật giáp xác. Bên trong, ấu trùng trải qua những thay đổi và sau hai tuần, chúng đã sẵn sàng để gây nhiễm trùng. Giun rồng có thể sống tới 4 tháng trong vật chủ nếu như động vật giáp xác (vật chủ ban đầu) trở thành mồi của các loài khác. Lúc này ấu trùng giun tiếp tục ký sinh và tiếp tục vòng đời của nó trên các vật chủ thủy sinh như tôm, cá, cua, ếch,...

Hình ảnh giun cái chui ra khỏi vết loét trên da (Ảnh: ST)

Hình ảnh giun cái chui ra khỏi vết loét trên da (Ảnh: ST)

Nguy cơ mắc giun rồng cũng gần như tương tự với các ký sinh trùng khác, chủ yếu tới từ thói quen ăn uống kém vệ sinh, không ăn chín uống sôi, trong quá trình ăn uống vô tình ăn phải ấu trùng giun rồng ký sinh trên thực phẩm, nước uống.

Trong dạ dày, ấu trùng giun rồng được giải phóng và phát triển thành giun, xâm nhập và ký sinh ở niêm mạc dạ dày. Sau khi giao phối, giun rồng bắt đầu di chuyển, chui vào các mô liên kết dưới da, ủ bệnh khoảng 1 năm rồi trồi lên da thông qua các vết loét rộp và ra ngoài.

4. Bệnh giun rồng có chữa khỏi được không?

Trước tiên, cho tới hiện tại thì chưa có thuốc phòng chủng ngừa giúp ngăn ngừa nhiễm giun rồng cũng như không có thuốc đặc hiệu điều trị khi nhiễm giun rồng. Chủ yếu việc điều trị tập trung vào giảm triệu chứng, ngăn ngừa nhiễm trùng tại các vết loét do giun cái tạo ra để chui ra ngoài. Thuốc chống viêm có thể giúp giảm đau và sưng; thuốc mỡ kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Theo Very Well Health, thuốc tẩy giun dùng cho các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác dường như không có tác dụng trong điều trị giun rồng.

Trong khi phát hiện mắc giun rồng, người bệnh cần giữ cho vùng rộp loét được khô thoáng, hạn chế tiếp xúc với nước khiến ấu trùng giun rồng có điều kiện phát tán, bắt đầu vòng đời lây nhiễm mới trên vật chủ khác.

Quá trình loại bỏ giunrồng rakhỏi vết loét trên da như sau:

- Đầu tiên, ngâm vùng da bị tổn thương vào nước ấm để kích thích giun cái chui ra ngoài. Chú ý, phần nước này sau khi ngâm xong cần phải rắc vôi bột hoặc dùng Cloramin B trước khi đổ ra môi trường bên ngoài.

- Tiếp theo, khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy, sử dụng một que tròn rồi lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài (không cầm kéo mạnh hoặc chích rạch vết thương để lấy giun ra ngoài); thận trọng tránh để con giun bị đứt.

5. Cách phòng ngừa bệnh giun rồng

Như đã nói, bệnh giun rồng chưa có thuốc phòng bệnh nhưng nó có thể được phòng ngừa bằng cách đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống hay gỏi tái; đồng thời chú ý vệ sinh sạch sẽ nguồn nước sử dụng trong gia đình. Trong đó, cá và các động vật thủy sinh khác đến từ các nguồn nước có khả năng bị ô nhiễm cũng nên được nấu chín kỹ trước khi ăn, giúp giết chết ấu trùng ẩn núp bên trong.

Trong quá trình sơ chế thức ăn, cần sử dụng các dụng cụ sơ chế riêng, tránh nhiễm khuẩn chéo và cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi sơ chế thực phẩm cũng như rửa tay trước và sau khi ăn.

Với vật nuôi trong nhà như chó, mèo thì tuyệt đối không bao giờ được cho ăn ruột cá chưa nấu chín hoặc các loại động vật thủy sinh còn sống khác.

Nếu như phát hiện các mụn nước phồng rộp gây đau rát sưng tấy bất thường thì cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/benh-giun-rong-co-chua-khoi-duoc-khong-2025050716295706.htm