Giảo cổ lam có tác dụng gì?
Giảo cổ lam là vị thuốc quý, được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để trị bệnh. Vậy giảo cổ lam có những tác dụng gì với sức khỏe và cần lưu ý gì khi sử dụng?
Giảo cổ lam (còn gọi là cỏ trường thọ, phúc ẩm thảo, cây trường sinh, dền toòng, cổ yếm, ngũ diệp sâm), có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, thuộc họ bí Cucurbitaceae.
Giảo cổ lam là một loại thực vật thân thảo, dây leo, sống lâu năm. Thân mảnh, mềm, ở nách lá có tua cuốn để leo. Lá kép hình chân vịt, xòe ra giống các ngón tay trên bàn tay. Mỗi cành có từ 5 - 7 lá, hoặc cũng có khi 9 lá. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc xanh nhạt, mọc thành chùm. Hoa đơn tính, cùng gốc. Quả của cây có hình cầu với đường kính khoảng 5 - 9 mm, có màu đen khi chín.
Giảo cổ lam mọc hoang ở những khu rừng thưa, có độ ẩm thấp và khí hậu lạnh. Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi Fansipan, Sa Pa, tỉnh Lào Cai và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình.
1. Tác dụng của giảo cổ lam
Theo y học cổ truyền, giảo cổ lam là vị thuốc có vị hơi đắng, ngọt nhẹ, tính mát, quy kinh Can, Tỳ, Thận, Tâm; từ xưa đã được sử dụng nhằm mục đích tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và làm đẹp.
Cây có thành phần hóa học chính là hai hợp chất flavonoid và saponin, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin, các khoáng chất tốt cho sức khỏe như kẽm, mangan, selen, sắt... Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng giảo cổ lam có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:
- Làm giảm cholesterol trong máu, giãn mạch, kiểm soát huyết áp, qua đó giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, phòng ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch.
- Giảm và ổn định đường huyết, hỗ trợ dự phòng các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
- Chữa ho, viêm phế quản mạn, đau dạ dày mạn, táo bón, tăng cường hệ miễn dịch.
- Có khả năng bảo vệ gan, thanh lọc và đào thải độc tố, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ...
- Hỗ trợ điều trị mất ngủ và các bệnh lý thần kinh khác như trầm cảm, lo âu, căng thẳng.
- Tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng đãng trí ở người lớn tuổi và các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu.
- Hỗ trợ giảm cân do kích thích tế bào trong cơ thể gia tăng sử dụng năng lượng, làm tiêu hao lượng mỡ thừa, điều chỉnh tình trạng rối loạn lipid.
- Giúp làm chậm quá trình lão hóa và hỗ trợ làm đẹp da, làm da dẻ mịn màng.
- Chống khối u, hợp chất saponin trong giảo cổ lam có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tử cung...

Vị thuốc giảo cổ lam.
2. Cách sử dụng giảo cổ lam
Giảo cổ lam có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để điều trị bệnh.
2.1 Dùng riêng vị giảo cổ lam
- Giảo cổ lam tươi, giã nát, lấy nước uống: Mỗi lần có thể dùng 10 - 15g, dùng 2 - 3 lần/ngày.
- Giảo cổ lam khô, hãm lấy nước uống: Mỗi lần dùng 5 - 10g khô, hãm với nước sôi uống 2 - 3 lần/ngày.
2.2 Phối hợp với một số vị thuốc khác
- Giảo cổ lam linh chi ẩm: Lấy giảo cổ lam và nấm linh chi tỷ lệ 1:1; giảo cổ lam 15g, nấm linh chi 15g, hãm uống trà thay nước trong ngày.
Bài thuốc có tác dụng giải độc, bảo vệ tế bào gan, hạ lipid máu... hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, tăng huyết áp.
- Giảo cổ lam kim tiền ẩm: Dùng giảo cổ lam 15g, kim tiền thảo 50g. Hãm lấy nước uống, hoặc sắc thuốc chia 3 lần, uống trong ngày.
Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, lợi niệu, hỗ trợ điều trị viêm gan cấp có biểu hiện thấp nhiệt theo y học cổ truyền.
3. Một số lưu ý khi sử dụng giảo cổ lam
Không dùng giảo cổ lam vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ vì khả năng hoạt huyết của loại giảo cổ lam có thể làm tăng nhịp tim, kích thích thần kinh, gây khó ngủ.
Không dùng giảo cổ lam quá 60g khô/ngày.
Không sử dụng giảo cổ lam để qua đêm vì có thể ảnh hưởng bất lợi tới hệ tiêu hóa.
Người bị hạ đường huyết hay huyết áp thấp nên uống giảo cổ lam sau khi ăn no.
Người có biểu hiện hàn chứng (hay lạnh bụng, tay chân lạnh, tiêu hóa kém, dễ bị tiêu chảy) cần thận trọng khi dùng giảo cổ lam vì dược liệu có tính mát, nếu dùng lâu dài hoặc dùng liều cao có thể làm tình trạng hàn nặng hơn, gây lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Những người thận hư, sỏi thận, máu khó đông không nên dùng.
Mời bạn xem tiếp video:
Hoại tử thận vì tự ý uống thuốc nam “thải độc”chữa sỏi I SKĐS
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giao-co-lam-co-tac-dung-gi-169250504135534959.htm