Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng và trẻ hóa
Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho nam bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Ảnh: H.Dung
Các bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáng lo ngại
Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số ca tử vong hàng năm ở nước ta. Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các bệnh không lây nhiễm là do lối sống thiếu lành mạnh, trong đó nhiều người, nhất là nam giới hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, ăn uống không cân đối, ít vận động, căng thẳng kéo dài, môi trường ô nhiễm...
Mới 40 tuổi nhưng anh N.V.T., ngụ xã Xuân Lộc, phải thường xuyên nhập viện để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - căn bệnh mà trước đây thường gặp ở những người từ 60 tuổi trở lên.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh phát hiện hơn 2,5 ngàn người bị bệnh tiểu đường mới, hơn 600 người bị tăng huyết áp mới và hơn 1,4 ngàn bệnh nhân bị ung thư. Trong số các bệnh ung thư, ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất với 15,8%, tiếp đến là ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Anh T. cho biết, anh không hút thuốc lá nhưng do làm việc ở xưởng sản xuất lốp xe ô tô, thường xuyên hít phải khí cao su. Mặc dù không hút thuốc lá như anh T. nói, nhưng nhiều đồng nghiệp của anh hút thuốc lá nên anh cũng là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động. “Mỗi khi bệnh vào cơn cấp, tôi khó thở, mệt mỏi, người nhà phải khẩn trương đưa đến bệnh viện để cấp cứu, thở oxy. Vì thường xuyên đau ốm nên công việc của tôi cũng không đảm bảo, tôi đành phải nghỉ việc để điều trị bệnh và chỉ làm được vài việc nhẹ nhàng phụ giúp vợ con” - anh T. tâm sự.
Tại Khoa Nội tiết, Khoa Can thiệp tim mạch, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hầu như ngày nào cũng kín giường nội trú. Thậm chí, có những thời điểm, bệnh nhân tim mạch nhập viện quá đông, một số bệnh nhân phải kê giường nằm ngoài hành lang.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết không chỉ bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) mà hiện nay có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ cũng đã bị tiểu đường tuýp 2. Bác sĩ Thúy Hằng cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng là do một bộ phận người dân tiêu thụ thức ăn nhiều hơn mức cần thiết, ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến sẵn, có quá nhiều năng lượng, nhiều chất béo, chất ngọt. Ngoài ra, lối sống ít vận động, thích ngồi một chỗ để xem ti vi, chơi game, lướt web cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường phải điều trị suốt đời, người bệnh phải kiêng khem ăn uống rất cực, nếu không sẽ khiến bệnh trở nặng, gây ra những biến chứng rất nguy hiểm”.
Nỗ lực kiểm soát bệnh không lây nhiễm
Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Minh Hùng, Phó trưởng Khoa Bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho rằng một trong những thách thức lớn hiện nay là nhận thức của người dân còn hạn chế trong việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Nhiều người không biết, không có điều kiện hoặc chủ quan không kiểm tra sức khỏe định kỳ dẫn đến khi cơ thể có triệu chứng bệnh mới đến bệnh viện thăm khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Thậm chí, có nhiều người đã được phát hiện bệnh nhưng không dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, công tác triển khai các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp tại tuyến xã chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc khám phát hiện và tư vấn nên công tác quản lý bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Trước tình hình này, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh các chương trình tầm soát sớm, truyền thông nâng cao nhận thức, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cơ sở; đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Đồng Minh Hùng nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm không lây lan qua tiếp xúc nhưng để lại hậu quả nặng nề, âm thầm và lâu dài. Chủ động phòng ngừa bằng cách sống lành mạnh, khoa học (không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động, ăn vừa đủ, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nướng…) và tăng cường khám sức khỏe định kỳ chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nhằm tạo thuận lợi cho những bệnh nhân trong việc sử dụng thuốc ngoại trú, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân khuyết tật, ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, từ ngày 1-7-2025 có 252 bệnh, nhóm bệnh sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày thay vì giới hạn tối đa 30 ngày như trước đây, trong đó có những bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính phổ biến như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu, trầm cảm, ung thư vú, ung thư tuyến giáp…
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà để kê đơn thuốc trong thời gian phù hợp. Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, người bệnh phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.