Bệnh không lây nhiễm và những thách thức
Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... đang gia tăng nhanh chóng, trở nên phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong, tàn tật hàng đầu, ảnh hưởng thiệt hại kinh tế, tạo nên những thách thức lớn đối với nền y tế.
Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chính trị khẳng định các BKLN là một thách thức lớn của thế kỷ XXI, làm suy giảm sự phát triển kinh tế toàn cầu và đe dọa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát các BKLN nói trên.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các BKLN.
Ở Nghệ An, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch số 783/KH-UBND ngày 14/12/2018 về Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống các BKLN trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019-2025; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống BKLN trên địa bàn tỉnh hàng năm (2019, 2020).
Trong 9 tháng đầu năm 2020, CDC đã tổ chức được các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về biện pháp phòng chống, phát hiện sớm, quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho cán bộ tuyến y tế cơ sở tại 6 huyện (Nghĩa Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc, Anh Sơn, Tương Dương và Hưng Nguyên); tổ chức được 150 buổi truyền thông và khám sàng lọc cho 9.000 người dân tại 30 xã thuộc 6 huyện trên.
Ngoài ra, Nghệ An cũng đã xây dựng các xã điểm về quản lý điều trị BKLN trên địa bàn với bước đầu là nâng cao năng lực cán bộ y tế ở các đơn vị này, đã tập huấn mở rộng quản lý, điều trị tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình cho 5 huyện (Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp).
Khi nhiều địa phương chưa “sẵn sàng” thì BKLN đang gia tăng trầm trọng và trẻ hóa. Tại Nghệ An, thống kê năm 2017 cho thấy số người mắc BKLN là 102.759 người, trong đó, số trường hợp tử vong do BKLN là 4.860 người. (có 6 bệnh được đưa vào thống kê là tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư và tâm thần). Trong đó, bệnh tăng huyết áp chiếm tỉ lệ 57,3% (chết 1.282 người, chiếm tỉ lệ 26,4% tổng số chết do BKLN; đái tháo đường chiếm tỉ lệ 19,6%; nhóm bệnh hô hấp chiếm tỉ lệ 8,9%; ung thư chiếm 4,7%; tâm thần chiếm 9,5%).
TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An cho biết: “Để dẫn đến thực trạng nói trên là do trong thời gian dài chúng ta chưa nhận thức đầy đủ gánh nặng bệnh tật và kinh tế do bệnh không lây gây ra; tỉ lệ người dân có kiến thức đúng về bệnh, tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp; công tác phòng, chống BKLN chưa được thực hiện đồng bộ; chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ chưa đầy đủ; kinh phí phòng, chống bệnh phần lớn dành cho điều trị, công tác truyền thông chưa được ưu tiên; hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao còn chưa được triển khai một cách hệ thống, rộng khắp”.
Do BKLN thường diễn ra rất âm thầm, khi có triệu chứng thì bệnh đã nặng, vì thế phát hiện sớm đối tượng bị bệnh và tiền bị bệnh để điều trị và phòng bệnh kịp thời là một việc vô cùng quan trọng. Trong những tháng cuối năm 2020, Nghệ An dự kiến sẽ thực hiện khám sàng lọc cho 32.340 người dân trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức thêm 08 lớp tập huấn để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trong việc phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng cho cộng đồng.
Hiện nay, hoạt động phòng chống BKLN ở tỉnh gặp nhiều khó khăn: Ngân sách cho hoạt động phòng chống BKLN còn rất hạn chế, chủ yếu trích từ nguồn Mục tiêu dân số y tế và được triển khai theo hệ thống dọc, từ Trung ương đến địa phương. Ở nhiều huyện/thành/thị chưa được bổ phần kinh phí này về để triển khai hoạt động. Các hoạt động phòng chống BKLN đang phân tán ở nhiều đơn vị, chưa được tập trung về một đầu mối nên khi triển khai hoạt động còn bị hạn chế, nhất là trong khám sàng lọc để phát hiện các BKLN, truyền thông giảm yếu tố nguy cơ...; Đội ngũ cán bộ tham gia phòng chống BKLN còn mỏng và kiêm nhiệm một lúc quá nhiều việc, nhất là các trung tâm y tế 2 chức năng.
Nghệ An đặt mục tiêu 95% xã/phường quản lý, điều trị ít nhất 2 BKLN tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng thuốc và vật tư y tế tại tuyến trạm còn thiếu về số lượng và chủng loại để điều trị, còn ràng buộc bởi các quy định về hành nghề và bảo hiểm y tế. Hệ thống báo cáo sổ sách còn đang cồng kềnh, chồng chéo vì có nhiều đơn vị phụ trách quản lý hoạt động (tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần; bướu giáp, đái tháo đường ở Bệnh viện Nội tiết; tăng huyết áp ở CDC...) gây vất vả cho tuyến cơ sở.
BKLN được gọi là bệnh hành vi lối sống. Để hoạt động phòng chống BKLN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc và quan tâm của các ban, ngành đoàn thể và nhất là chính quyền; cần có một đầu mối quản lý BKLN là TT KSBT, các đơn vị khác cùng phối hợp; cần cung cấp đủ thuốc và vật tư y tế và nâng cao năng lực y tế cơ sở để trạm y tế có thể triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống, quản lý, điều trị; cung cấp đủ kinh phí để tăng cường triển khai các hoạt động về phòng chống BKLN (khám sàng lọc, truyền thông, giám sát hỗ trợ cho tuyến dưới, xây dựng các câu lạc bộ dự phòng về những BKLN...).
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-khong-lay-nhiem-va-nhung-thach-thuc-n182143.html