Bệnh lao gây tử vong: Ai có nguy cơ mắc cao hơn?

Lao là một căn bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Vi khuẩn gây bệnh lao không chỉ tấn công mỗi phổi mà nó có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể như não, cột sống.

Theo trang Webmd, bệnh lao khiến hơn 1 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis lây lan từ người sang người thông qua các giọt cực nhỏ phát tán vào không khí.

Bệnh lao có những loại nào?

Bệnh lao nguyên phát: Đây là giai đoạn đầu của bệnh lao. Hệ thống miễn dịch của bạn có thể có khả năng chống lại vi khuẩn nhưng đôi khi nó không tiêu diệt hết chúng, khiến vi khuẩn nhân lên. Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng bệnh lao nào ở giai đoạn này hoặc bạn có thể có một số triệu chứng giống như cúm.

Bệnh lao tiềm ẩn: Bạn có vi khuẩn trong cơ thể, nhưng hệ thống miễn dịch của bạn ngăn chúng lây lan. Bạn không có bất kỳ triệu chứng nào và không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiễm trùng vẫn còn tồn tại và một ngày nào đó có thể hoạt động.

 Ảnh: Wikipedia.

Ảnh: Wikipedia.

Bệnh lao phổi: Vi khuẩn lao trở nên hoạt động mạnh mẽ trong cơ thể và nhân lên nhanh chóng, người bệnh sẽ chuyển từ bị nhiễm lao tiềm ẩn sang bị bệnh lao (hoạt động ở phổi).

Bệnh lao ngoài phổi: Nhiễm trùng bệnh lao lây lan từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể được gọi là bệnh lao ngoài phổi. Các triệu chứng của bạn sẽ phụ thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng lao tiềm ẩn hoặc đang hoạt động cũng có thể kháng thuốc, nghĩa là một số loại thuốc không có tác dụng chống lại vi khuẩn.

Triệu chứng bệnh lao

Bệnh lao tiềm ẩn không có triệu chứng. Xét nghiệm da hoặc máu có thể cho biết bạn có mắc bệnh này hay không.

Các triệu chứng bệnh lao hoạt động ở phổi (lao phổi) bao gồm:

- Ho kéo dài hơn 3 tuần

- Đau ngực

- Ho ra máu

- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi

- Đổ mồ hôi đêm

- Ớn lạnh

- Sốt

- Ăn mất ngon

- Giảm cân

Đối với bệnh lao ngoài phổi, người bệnh có thể có những triệu chứng tương tự cùng với cơn đau ở gần khu vực bị nhiễm trùng.

Các triệu chứng bệnh lao có thể khác nhau ở thanh thiếu niên, trẻ em và trẻ sơ sinh. Các triệu chứng ở thanh thiếu niên cũng tương tự như triệu chứng của người lớn. Trẻ em từ 1-12 tuổi có thể sụt cân và sốt không dứt.

Ai có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn?

Những người nhiễm HIV/AIDS và người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn vì cơ thể họ gặp khó khăn hơn trong việc chống lại vi khuẩn.

Cụ thể, một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn bao gồm:

- HIV/AIDS

- Bệnh tiểu đường

- Bệnh thận nặng

- Mắc một số bệnh ung thư

- Điều trị ung thư, như hóa trị

- Suy dinh dưỡng

- Dùng thuốc trong cấy ghép nội tạng

- Dùng một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và bệnh vẩy nến

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hình thành đầy đủ. Người cao tuổi cũng nằm trong nhóm nguy cơ dễ mắc hơn.

Bệnh lao có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng thuốc, đúng phương pháp. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng việc điều trị bệnh lao đã cứu sống 74 triệu người từ năm 2000 đến năm 2021.

Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn

Nguồn video: THĐT

An An (Theo Webmd)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/benh-lao-gay-tu-vong-ai-co-nguy-co-mac-cao-hon-1908378.html