Bệnh mề đay có lây không?
Tôi đang bị nổi mề đay. Xin hỏi tôi có cần hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình để tránh lây cho họ?
Tôi đang bị nổi mề đay. Xin hỏi tôi có cần hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình để tránh lây cho họ?
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thu Trang, Phụ trách Đơn nguyên da liễu - Lase thẩm mỹ, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh)
Mề đay là tình trạng phản ứng của các mao mạch dưới da, niêm mạc trước các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, gây nên hiện tượng phù tại chỗ, làm da bị phồng lên, kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.
Nguyên nhân gây bệnh mề đay
Nguyên nhân gây mề đay rất đa dạng, trong đó phổ biến có thể kể đến:
Do thức ăn: Nhiều loại thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật có thể gây nổi mề đay.
Do thuốc: Mề đay do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau dùng thuốc vài ngày, có thể đơn thuần hay kèm với sốt, đau khớp, nổi hạch.
Do nọc độc: Mề đay có thể xuất hiện do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng như muỗi, mòng, bọ chét, ong, kiến, sâu bọ.
Do tác nhân đường hô hấp: Rơm rạ, phấn hoa, bụi nhà, bụi kho, lông vũ, khói thuốc, men mốc... cũng là nguyên nhân gây mề đay.
Do nhiễm trùng.
Biểu hiện của bệnh mề đay
Tổn thương cơ bản của mề đay là các ban đỏ, sẩn phù kích thước to nhỏ khác nhau. Sẩn phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh.
Mê đay có thể khu trú hoặc lan rộng toàn thân. Ở vùng tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, sinh dục ngoài... các ban đỏ, sẩn phù xuất hiện đột ngột làm sưng to cả một vùng, còn gọi là phù mạch hay phù Quincke.
Bệnh mề đay có lây không?
Bệnh mề đay không lây, hầu như không đe dọa tới tính mạng nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người mắc.
Người bệnh mề đay còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như sưng mạch ở khí quản, vùng họng dẫn tới khó thở, thở gấp, thậm chí nghẹt thở. Mề đay có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa, gây đau quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy. Khi mề đay xảy ra ở tổ chức não, dễ gây phù nề não, rất nguy hiểm.
Trong những trường hợp đặc biệt, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị đe dọa tính mạng.
Người dân có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh mề đay thông qua các cách sau:
Không sử dụng các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao. Người có cơ địa nhạy cảm cần hạn chế dùng rượu bia, trà đặc và cà phê.
Giữ không gian sống thông thoáng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa để loại bỏ nấm mốc, phấn hoa và bụi bẩn.
Không sử dụng các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao. Đối với những người có cơ địa dễ dị ứng, mẫn cảm.
Hạn chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh và dưỡng da có độ pH cao, nhiều xà phòng và hương liệu.
Hạn chế sinh hoạt trong các môi trường có độ ẩm không khí thấp vì dễ khiến da khô, kích ứng, tái phát bệnh da dị ứng theo mùa.
Người bị bệnh mề đay khi sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc đau nhức xương khớp... nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, tránh nguy cơ dị ứng, mẩn ngứa sau này.
Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao để tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/benh-me-day-co-lay-khong-post1500725.html