Bệnh não mô cầu nguy hiểm như thế nào, làm sao để phòng bệnh?

TP Hồ Chí Minh vừa ghi nhận một nữ công nhân 52 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh) tử vong do mắc não mô cầu thể tối cấp. Theo các chuyên gia y tế, đây là bệnh lây qua đường hô hấp và có khả năng gây thành dịch. Bệnh tử vong nhanh và nếu lành bệnh thì vẫn để lại nhiều di chứng.

Bệnh tử vong nhanh hoặc để lại di chứng suốt đời

Ghi nhận về bệnh sử của nữ công nhân 52 tuổi tử vong do mắc não mô cầu thể tối cấp cho thấy, bệnh khởi phát trước đó một ngày với các biểu hiện sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân. Chiều cùng ngày, người này xuất hiện các mảng ban màu hồng tím xuất phát từ cánh tay lan ra toàn thân.

Các nốt tử ban là dấu hiệu bệnh nhiễm độc nặng của bệnh não mô cầu.

Các nốt tử ban là dấu hiệu bệnh nhiễm độc nặng của bệnh não mô cầu.

Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nữ công nhân nhập viện trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90mmHg, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, tình trạng nặng nên bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, khác với các bệnh mạn tính có thời gian tiến triển dài, bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể khởi phát rất đột ngột với các triệu chứng như sốt, xuất hiện ban đỏ hay còn gọi là tử ban, sau đó lan ra nhanh chóng, lúc này tính mạng của người bệnh chỉ còn tính bằng giờ. Do đó, bệnh não mô cầu còn được gọi là “bệnh tử 24 giờ”, tức người bệnh có thể tử vong trước cả 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, viêm màng não do não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với hàng chục ca mắc được ghi nhận mỗi năm. Vi khuẩn não mô cầu gây ra hai bệnh thường gặp và nặng nề nhất là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, ngoài ra có thể gây viêm ở các vị trí ngoài màng tim, niệu đạo, phổi, kết mạc, khớp…

“Có đến 50% người bệnh sẽ tử vong nếu không được điều trị. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như sẹo do hoại tử da, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ… chưa kể gánh nặng chăm sóc lâu dài về sau”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Những điều cần biết về bệnh do não mô cầu. Ảnh: HCDC

Những điều cần biết về bệnh do não mô cầu. Ảnh: HCDC

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm, các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Cụ thể, viêm màng não do não mô cầu có một số đặc điểm cảnh báo như khởi phát đột ngột, các triệu chứng rầm rộ. Người bệnh có thể sốt cao đột ngột, liên tục đến 41 độ C, kèm đau đầu dữ dội, co giật, buồn nôn, nôn, cứng cổ. Ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện các biểu hiện như thóp căng phồng, li bì, bỏ bú…

Sau khi sốt 1 - 2 ngày, bệnh nhân thường có những nốt tử ban trên da có màu xanh tím hoặc đỏ thẫm. Tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc liên kết với nhau tạo thành đám, lan truyền nhanh chóng hình thành vùng da hoại tử.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, các nốt tử ban là dấu hiệu bệnh nhiễm độc nặng, cần đến ngay cơ sở y tế mà không nên chần chừ tự điều trị tại nhà. Người dân không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa xác định nguyên nhân vì có thể làm che lấp dấu hiệu bệnh, mất đi cơ hội được điều trị sớm. Chưa kể, việc tự ý dùng kháng sinh không có chỉ định bác sĩ, về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh dẫn đến việc khó điều trị khi mắc bệnh.

Ai dễ mắc bệnh và làm sao để phòng bệnh?

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra (người bệnh và người lành mang trùng) và dễ gây thành dịch lớn.

Người dân cần chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh não mô cầu.

Người dân cần chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh não mô cầu.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, bệnh não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như doanh trại, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ, nhà máy, công sở… Người khỏe mạnh mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu sốt hoặc viêm mũi họng là nguồn phát tán mầm bệnh ra cộng đồng khó kiểm soát.

Theo Cục Y tế dự phòng, ở nơi có bệnh lưu hành, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5% - 10%. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khỏe mang vi khuẩn não mô cầu.

Vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp và nguy hiểm nhất là A, B, C, Y, W-135, X. Hiện 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến A, B, C, Y, W-135 đã có vaccine phòng ngừa tại Việt Nam gồm: Vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Ý tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (Mengoc BC) của Cuba tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi và nhóm A, C, Y, W-135 (Menactra) của Mỹ tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.

“Các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên”, bác sĩ Chính lưu ý.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm, hiện tại VNVC có đầy đủ vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi. Cả 3 loại vaccine này đều được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các vaccine thế hệ mới như Bexsero hay Menactra được ưu tiên sử dụng để phòng ngừa nhiều hơn các chủng vi khuẩn gây bệnh.

Để phòng bệnh do não mô cầu, ngành y tế khuyến cáo người dân trong cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/benh-nao-mo-cau-nguy-hiem-nhu-the-nao-lam-sao-de-phong-benh-20240926161840369.htm