Bệnh nhân 65 tuổi mắc uốn ván không rõ nguyên nhân gây bất ngờ cho cả bác sĩ
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận ca mắc uốn ván đặc biệt khi không thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
Theo đó, bệnh nhân L.V.S, nam giới 65 tuổi, đến từ Hải Dương, trước đây có sức khỏe bình thường và không có bất kỳ vết thương hay xây xước nào trên cơ thể.
Diễn biến bệnh bắt đầu khi ông S xuất hiện triệu chứng đau họng không kèm sốt trước nhập viện 10 ngày. Ban đầu, tại cơ sở khám bệnh, ông được chẩn đoán viêm họng cấp và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, sau 6 ngày dùng thuốc, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng với các triệu chứng như khó há miệng, khó nói và ăn uống kém, buộc gia đình phải đưa ông đến viện.
Khi nhập viện tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt và không co giật. Tuy nhiên, khả năng há miệng của ông bị hạn chế, chỉ mở được khoảng 1cm. Đặc biệt, bệnh nhân có biểu hiện tăng trương lực cơ rõ rệt ở vùng bụng và toàn thân, cùng với phản ứng co cứng mạnh khi có kích thích cơ học. Với những triệu chứng này, các bác sĩ đã chẩn đoán ông mắc uốn ván toàn thể và hiện đang phải thở máy qua nội khí quản dưới tác dụng của thuốc an thần.
ThS.BS Nguyễn Thanh Bằng - Khoa Cấp cứu cho biết đây là một trường hợp đặc biệt khi không tìm thấy vết thương đầu vào của vi khuẩn uốn ván. Theo bác sĩ Bằng, ngoài đường xâm nhập thông thường qua vết thương hở.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân không thể xác định rõ vết thương đường vào, nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván vẫn có thể đến từ các vết xây xước nhỏ trong quá trình lao động, sinh hoạt trước đó mà bệnh nhân không để ý, do bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh dài, nên bệnh nhân không nhớ chính xác. Có những báo cáo cho thấy uốn ván xuất hiện sau các nhiễm trùng răng miệng, như sâu răng, nhổ răng, áp xe quanh răng...Trường hợp bệnh nhân S, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân mắc uốn ván từ khoang miệng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập qua các tổn thương hoặc nhiễm khuẩn đường ruột, chẳng hạn như từ các vết mổ trong nội soi hoặc tổn thương nhỏ ở dạ dày, trực tràng, hoặc hậu môn.
Từ ca bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý phòng ngừa bệnh uốn ván, đặc biệt là những người làm nghề nông và lao động chân tay. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm tiêm phòng định kỳ, sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc, xử lý đúng cách các vết thương dù nhỏ và duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Khi có các dấu hiệu như khó há miệng, khó nói hay khó khăn trong ăn uống, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.