Bệnh nhân 91 và sự hồi sinh kỳ diệu tại Việt Nam

Sau 115 ngày điều trị, ngày 11-7, bệnh nhân 91 (BN91, phi công người Anh, 43 tuổi) đã xuất viện và trở lại bầu trời trên chính chiếc máy bay Boeing-787 mà mình từng cầm lái, để trở về với quê hương, kết thúc hành trình sinh - tử diệu kỳ ở đất nước Việt Nam đong đầy tình người. BN91 trở về quê nhà với tình trạng sức khỏe tốt - điều mà gần 3 tháng trước ngay cả người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới. Lần cuối cùng, từ tận đáy lòng, anh nói lời cảm ơn các y, bác sĩ Việt Nam - những con người đã đưa anh từ cõi chết trở về để một lần nữa anh lại được đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Nam phi công người Anh nhận được giấy ra viện từ đại diện Bộ Y tế và BV Chợ Rẫy.

Nam phi công người Anh nhận được giấy ra viện từ đại diện Bộ Y tế và BV Chợ Rẫy.

Ca bệnh Covid -19 "độc nhất, vô nhị"

Tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 370 người mắc Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử vong. Trong số 370 ca bệnh ấy, có một ca bệnh đặc biệt mà có lẽ bất cứ ai ở Việt Nam dù không hề biết mặt, biết tên nhưng đều nhớ số hiệu của BN này. Đó là BN91 với hành trình sinh - tử hy hữu nhất trên thế giới giữa đại dịch Covid-19.

BN91 hiện đã được trở về nước trên một chuyến bay thương mại. Đi cùng anh là 3 bác sĩ Việt Nam - những người nắm rõ tình hình sức khỏe của anh. Chắc hẳn, BN91 không thể ngờ rằng mình vẫn còn cơ hội hồi hương sau khi trở thành một trong những bệnh nhân nặng nhất trên toàn cầu. Trong ký ức của điều dưỡng Huỳnh Kim Huệ (khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM), BN91 là một trong những BN "khó chiều" nhất. Chị kể: "Những ngày đầu, BN91 tỏ ra rất khó chịu khi chúng tôi yêu cầu phết họng, phết mũi để lấy mẫu xét nghiệm. Anh ta còn từ chối tất cả đồ ăn thức uống mà chúng tôi cung cấp, không chịu ăn uống và luôn miệng than nóng dù ở trong phòng cách ly áp lực âm rất lạnh".

Trong khi đó, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D, cũng không thể quên được BN đặc biệt này bởi những diễn tiến kỳ lạ trong suốt quá trình điều trị. Đó là những lần BN không thể cầm máu khi mở khí quản, là những lần tràn khí màng phổi bất ngờ, những lần âm tính - dương tính đảo chiều liên tục. Tình thế của BN91 có lúc vô cùng nguy hiểm, như "chuông treo mành chỉ", hy vọng sống càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, ngày 22-5 khi được chuyển sang BV Chợ Rẫy với hy vọng mong manh hồi phục được các cơ quan nội tạng bị tổn thương và để chuẩn bị lên phương án ghép phổi thì những kỳ tích bắt đầu xuất hiện. Và rồi như một phép mầu, phổi của bệnh nhân hồi phục gần như 100%, thận và các chỉ số khác trở về ngưỡng bình thường. Đến ngày 3-7, BN91 chính thức được công bố khỏi bệnh trong tình trạng khỏe mạnh, chỉ còn phải tập vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn các chức năng vận động do nằm một chỗ và sử dụng thuốc an thần, thuốc giãn cơ quá lâu.

Từ "cửa tử" đến giấc mơ bay

Có thể nói, trong suốt hành trình sinh - tử diệu kỳ của BN91 đã in đậm dấu ấn sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. "Tất cả những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu đều được chúng tôi sử dụng cho BN91, có những phác đồ điều trị, những loại thuốc chưa bao giờ sử dụng tại Việt Nam cũng đều được chúng tôi áp dụng để cứu sống bệnh nhân này", PGS, TS, BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, chia sẻ.

"Dốc toàn lực" là cụm từ mà PGS, TS, BS Phạm Thị Ngọc Thảo nói về quá trình điều trị cho BN91. Ngày mà không chỉ riêng bản thân phi công người Anh mà cả Đại sứ quán Anh, người dân hai nước Anh và Việt Nam mong đợi, cũng đã đến, sau 115 ngày điều trị, BN91 đã có thể xuất viện, trở về quê hương trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Khi trái tim của bệnh nhân 91 hồi phục cũng là lúc hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cùng vui mừng. Với riêng đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho BN91, việc phi công người Anh có thể khỏe mạnh bước ra từ ngưỡng cửa tử thần thì không niềm vui nào có thể tả xiết.

Lặng lẽ đứng một góc chứng kiến BN91 khỏe mạnh trong ngày xuất viện, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới) chỉ thốt lên được hai từ "hạnh phúc". Từng chứng kiến thời điểm BN cận kề với cái chết nên BS Phong càng thấu hiểu hơn giá trị của giây phút BN được xuất viện về nhà. "Với BS điều trị chúng tôi, hạnh phúc nhất là được đồng hành cùng BN ở thời khắc khó khăn nhất, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. Dù sau này không còn điều trị trực tiếp cho BN91 nhưng tôi vẫn luôn cầu mong cho BN khỏe mạnh trở lại và anh đã trở lại đúng như kỳ vọng", BS Phong chia sẻ.

Không chỉ các y, bác sĩ mà những người Việt Nam chẳng hề liên quan cũng không khỏi vui và tự hào về trường hợp của BN91. Thời điểm thông tin BN91 trở nặng, nguy kịch liên tục xuất hiện trên mặt báo cũng là lúc người dân Việt Nam hướng về BN này và cùng cầu nguyện cho một phép mầu kỳ diệu xảy ra. Đến khi phương án ghép phổi được đưa ra cũng là lúc "tinh thần Việt Nam" trỗi dậy. Đã có 59 người trên khắp cả nước đăng ký hiến một phần lá phổi của mình để cứu sống BN91- một con người xa lạ.

Lời cuối

Câu chuyện về BN91 tại Việt Nam đã dần khép lại với cái kết viên mãn đến thời điểm ngày 11-7, khi BN được xuất viện, trở về nước Anh trên chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Một hành trình dài với anh đang ở phía trước, nhưng chắc hẳn anh không cô đơn khi chuyến bay còn có tình cảm của hàng triệu con người Việt Nam luôn bên anh - họ là những người đã luôn theo dõi, cầu nguyện cho anh mỗi ngày khi anh nằm viện điều trị, quan tâm đến anh như một người thân của mình, thậm chí có thể hiến một phần cơ thể để anh được sống. "Cảm ơn các y, bác sĩ Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam!" là câu nói cuối cùng của BN91 trước khi rời khỏi BV Chợ Rẫy trở về quê nhà. Có lẽ, trong suốt quãng đời còn lại, viên phi công người Anh sẽ không thể quên được chuyến bay dài nhất của đời mình. Đó là chuyến bay với hành trình sinh - tử nhưng cũng nhiệm mầu như câu chuyện cổ tích giữa đời thực của mình ở đất nước mang tên Việt Nam.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_227875_benh-nhan-91-va-su-hoi-sinh-ky-dieu-tai-viet-nam.aspx