Bệnh nhân cấy ghép mô, tạng có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?
Những bệnh nhân ghép tạng và chờ ghép tạng có nguy cơ tử vong rất cao nếu mắc COVID-19 do có nhiều bệnh nền kèm theo và có thể bao gồm tình trạng ức chế miễn dịch gây ra bởi các thuốc chống thải ghép (nếu đã được ghép).
Bệnh nhân ghép tạng được bảo vệ tối đa khi tiêm vaccine COVID-19
SKĐS - Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy khả năng bảo vệ bởi vaccine COVID-19 tốt hơn mong đợi ở những người được ghép tạng. Theo đó, vaccine COVID-19 giúp những người ghép tạng giảm nguy cơ nhiễm bệnh lên tới 80% so với những người không được tiêm chủng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến giữa tháng 10/2020, cả nước đã thực hiện được 5.225 ca ghép tạng và hiện cũng đang có 2.442 người đăng ký chờ ghép mô, tạng.
Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, nhu cầu tiêm vaccine trở nên cấp thiết. Vậy nhóm bệnh nhân này có nên tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hay không?
Những bệnh nhân ghép tạng và chờ ghép tạng có nguy cơ tử vong rất cao nếu mắc COVID-19.
Các Hiệp hội Y khoa lớn trên thế giới khuyến cáo, vẫn nên tiêm vaccine phòng COVID-19 (ưu tiên vaccine mRNA như Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) trên nhóm bệnh nhân trước và sau ghép tạng nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.
Thực tế, vào những giai đoạn đầu, có rất ít dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19 trên nhóm bệnh nhân này. Nguyên nhân là hầu hết các hãng sản xuất đều loại các bệnh nhân ghép tạng ra khỏi các thử nghiệm.
Phải đến cuối năm 2020, khi Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vaccine Pfizer và Moderna, người ta mới thừa nhận sự cần thiết của vaccine và bắt đầu nghiên cứu thêm trên những người ghép tạng. Hiện có hai nghiên cứu đang được chú ý.
Nghiên cứu đầu tiên được quan sát trên 741 bệnh nhân ghép tạng đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna mRNA. Kết quả cho thấy tỷ lệ dự kiến các tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine bao gồm đau nhức tại chỗ tiêm (85% sau liều 1; 77% sau liều 2), mệt mỏi (36% sau liều 1; 56% sau liều 2), nhức đầu (28% sau liều 1; 42% sau liều 2). Điều quan trọng là không có trường hợp nào gặp phải biến chứng nặng nề như sốc phản vệ cần tiêm adrenaline.
Nghiên cứu thứ hai có cùng đối tượng quan sát như nghiên cứu đầu tiên nhưng có cỡ mẫu ít hơn là 658 người. Kết quả chỉ ra rằng số lượng kháng thể sản xuất ra trên các bệnh nhân này giảm so với dân số chung và chỉ có 54% trong tổng số có đáp ứng kháng thể sau tiêm liều 2.
Cho dù như vậy, xét trên các nguy cơ tổng thể, việc giảm hiệu quả miễn dịch cũng như các tác dụng phụ sau tiêm vaccine vẫn dễ chấp nhận hơn so với rủi ro rất cao mắc và tử vong do COVID-19 ở những người ghép tạng.
Do đó, Hiệp hội ghép tim và phổi quốc tế (The International Society for Heart and Lung Transplantation – ISHLT) và Hiệp hội ghép tạng Mỹ (American Society for Transplantation - AST) vừa đưa ra các khuyến cáo:
1. Khi có điều kiện, bệnh nhân nên tiêm vaccine COVID-19 trước khi ghép tạng và ưu tiên tiêm đủ liều tối thiểu 2 tuần trước khi tiến hành cấy ghép. Nếu chưa tiêm đủ liều, bệnh nhân được khuyến cáo vẫn tiếp tục việc cấy ghép (không trì hoãn) và nên hoàn thành các mũi còn lại ít nhất một tháng sau đó.
2. Đối với các bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch hoặc chống thải ghép bằng liệu pháp suy giảm tế bào T/tế bào B (như globulin kháng tế bào tuyến ức, rituximab,...), việc tiêm chủng COVID-19 nên được tiến hành từ ba đến sáu tháng sau đó.
3. Bệnh nhân suy tim hoặc được ghép tim dù đã nhiễm COVID-19 vẫn nên tiếp tục tiêm vaccine sau khi qua được giai đoạn cấp tính.
4. Không nên xét nghiệm huyết thanh SARS-CoV-2 thường quy sau khi tiêm chủng vì mối tương quan về miễn dịch không rõ ràng. Các biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi công cộng... vẫn phải duy trì dù đã tiêm chủng hay chưa.
Tóm lại, vẫn cần có thêm thông tin để có thể hiểu rõ hơn các tác động của vaccine COVID-19 trên những bệnh nhân ghép tạng. Trước mắt, vẫn phải tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân về lợi ích và nguy cơ trước khi tiêm vaccine.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm: