'Bệnh nhân chiến thắng Covid-19 là món quà cho các y bác sĩ'
Đây là lời chúc mừng của PGS.TS Lương Ngọc Khuê gửi đến các y bác sĩ và người bệnh nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi và xuất viện.
Toàn bộ 16 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. Nhưng như vậy không có nghĩa là cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam đến hồi kết. Đến nay, mọi nỗ lực từ điều tra dịch tễ, hỗ trợ y tế, cách ly, đến nghiên cứu phân lập virus cho bước đầu chế tạo vaccine vẫn đang được các các chuyên gia, các y bác sĩ khẩn trương tiến hành.
Nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 và phân tuyến điều trị bệnh nhân tại Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao. Ngay khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng khuyến cáo về dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã triển khai ứng phó cao hơn một bậc so với khuyến cáo này. Đó chính là những nỗ lực căng hết sức mình, là những hy sinh thầm lặng, thậm chí, nguy cơ nhiễm bệnh khi phải trực tiếp xông pha vào tâm dịch Covid-19 để cứu chữa người bệnh. Tất cả các bác sĩ chúng tôi gặp trong mùa dịch này đều chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất chính là dịch mới không phác đồ điều trị, không có vaccine và không biết diễn tiến của bệnh sẽ thế nào… họ đều không tránh khỏi áp lực và cả “sợ”. Song điều các chuyên gia và các y bác sĩ lựa chọn là sẵn sàng “ứng chiến”.
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi
Nữ bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, trú huyện Yên Định, Thanh Hóa) là 1 trong 8 công nhân của Công ty TNHH Nihon Plast Nhật Bản trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Những tưởng sẽ có cái Tết đoàn viên cùng gia đình, nhưng chỉ vài giờ về đến quê nhà T biết được thông tin Vũ Hán công bố dịch Covid-19 bùng phát và chính mình bắt đầu có những triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi… T đã lập tức nói bố mẹ đưa vào viện đúng ngày 30 Tết.
Đến chiều 24/1, T được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt, đau ngực, ho. Lúc này, cuộc chiến của T và các y bác sĩ với Covid-19 chính thức bắt đầu.
“Thông tin về dịch bệnh từ Vũ Hán và phải ở một mình trong phòng cách ly ngày Tết khiến em rất buồn và hoang mang lo lắng cho mọi người ở nhà”, T chia sẻ.
Lúc đó, cả nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình đều lo lắng. Đến ngày điều trị thứ 7, T không còn ho, sốt và đến ngày thứ 10, T. đã có kết quả tái khẳng định âm tính với Covid-19. Đó là buổi sáng đáng nhớ nhất trong cuộc đời T, khi bác sĩ vào thông báo “sáng nay ra viện nhé”. Cả gia đình T cũng vỡ òa niềm vui khi nhận thông tin này.
“Chúng tôi cũng rất vui mừng cùng với niềm vui của bệnh nhân. Với các bác sĩ chúng tôi, đây là một trong những ca bệnh đầu tiên và là ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam được chữa khỏi và ra viện. Điều quan trọng là đã tạo niềm tin cho nhân dân, để họ tin tưởng vào khả năng đáp ứng và điều trị của hệ thống y tế Việt Nam”, BSCKI Đỗ Xuân Tiến, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Niềm tin được nhân lên, mọi nỗ lực của các y bác sĩ trực tiếp điều trị và cả hệ thống y tế đã được đền đáp khi Việt Nam đến nay đã chữa khỏi cho toàn bộ . Gửi lời chúc mừng đến người bệnh và các y bác sĩ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh nhân chiến thắng Covid-19 là món quà cho các y bác sĩ.
“Qua những bệnh nhân ra viện, chúng ta thấy trách nhiệm các thầy thuốc. Ở tuyến trung ương, tuyến địa phương hay cơ sở chúng tôi đều đánh giá cao các thầy thuốc, các nhân viên y tế vì sự cố gắng và nỗ lực của họ”, ông Lương Ngọc Khuê nói.
Không chủ quan vì dịch diễn biến phức tạp trên thế giới
Với bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên tắc đầu tiên là cách ly thật tốt, đặc biệt đối với dịch Covid-19 có tốc độ lây lan cực nhanh. Do vậy, người bệnh có thể mới nghi ngờ cũng phải nhanh khoanh vùng cách ly để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng.
“Mục tiêu của Bộ Y tế là cố gắng không để nguồn lây đó cho các thầy thuốc, từ bệnh viện, cũng như lan ra cộng đồng. Việc cách ly phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo vệ pháp luật như Công an, chính quyền địa phương. Có những khu vực cần chặt chẽ tuyệt đối và chia theo 3 khu vực: Những người mới nghi ngờ nhưng cách ly tuyệt đối trong cộng đồng; Người bị bệnh rồi nhưng nhẹ vẫn sinh hoạt được vẫn phải quản lý; Người bệnh nặng phải quản lý một cách chặt chẽ và triệt để, ngay từ quần áo, chất thải người bệnh, các nguồn vi sinh vật phải quản lý theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, an toàn kiểm soát nhiễm khuẩn”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã chuẩn bị các kịch bản và sẵn sàng phương án đáp ứng với tình huống dịch có thể lan rộng. Bên cạnh đó, với người vừa ra viện vẫn còn vấn đề tâm lý, thể trạng cần phải được quan tâm, theo dõi và động viên tích cực. Trong đó, tại Thanh Hóa và Khánh Hòa, các bệnh nhân ra viện nhưng y tế địa phương, y tế cơ sở, các đơn vị trong tỉnh vẫn phải quan tâm, tránh để xảy ra việc kỳ thị người bệnh.
Điều trị khỏi cho toàn bộ 16 bệnh nhân và đưa họ trở lại với cộng đồng là dấu mốc rất quan trọng trong thời điểm thế giới quan ngại vì dịch Covid-19. Bởi đến nay, dịch không chỉ diễn biến nguy hiểm tại Trung Quốc, mà còn bùng phát nhanh chóng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Mỹ...
“Đây mới là bước đầu và nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 của cả hệ thống y tế thời gian tới chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ giảm cường độ làm việc ứng trực của hệ thống khám, chữa bệnh... Tất cả các bệnh viện vẫn đang sẵn sàng với mọi kịch bản và tình huống. Chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, tiếp tục xem xét chiến lược điều trị của Việt Nam với mục tiêu điều trị cho người bệnh tốt nhất, không để tử vong và tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây cho cán bộ y tế và trong cộng đồng”, ông Lương Ngọc Khuê nói.
Đến nay, chưa có thầy thuốc nào của Việt Nam bị lây nhiễm bệnh là điều vô cùng đáng mừng. Trong đó, phải kể đến chiến lược phân tuyến điều trị thực sự linh hoạt và thực tế theo các tình huống của dịch. Nỗ lực ứng phó dịch của Việt Nam bước đầu đã có kết quả tích cực. Từng ca bệnh ra viện đã mang lại niềm tin cho cả cộng đồng ở Việt Nam và với cả thế giới. Đặc biệt, bệnh nhi 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19 cũng đã được điều trị khỏi và xuất viện./.