Bệnh nhân đái tháo đường type 2 kèm nhồi máu cơ tim và đột quỵ có nguy cơ giảm 15 năm tuổi thọ

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có các bệnh lý tim mạch, thận cùng các chuyển hóa liên quan có nguy cơ giảm tuổi thọ đáng kể, từ 6 năm đến 15 năm.

Đây là nhận định được chuyên gia y tế đưa ra tại hội thảo chuyên đề đái tháo đường (ĐTĐ), nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM.

Tại hội thảo chuyên đề, GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 537 triệu người mắc đái tháo đường type 2, ước tính số bệnh nhân tăng lên khoảng 783 triệu vào năm 2045.

Bệnh nhân ĐTĐ type 2 có nguy cơ tiến triển suy tim cao hơn, việc kiểm soát đường huyết đơn độc chưa đủ để bảo vệ tim mạch, có 44% bệnh nhân nhập viện do suy tim có ĐTĐ type 2. Đồng thời có tới 40% bệnh nhân ĐTĐ type 2 mắc kèm bệnh thận mạn.

GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - trình bày tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - trình bày tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Theo GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, bệnh lý tim mạch, thận và các chuyển hóa nếu cùng tồn tại ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 sẽ gây giảm tuổi thọ đáng kể. Trong đó, bệnh nhân ĐTĐ type 2 có tuổi thọ giảm 6 năm; bệnh nhân ĐTĐ type 2 kèm bệnh thận mạn giảm 9 năm tuổi thọ; ĐTĐ type 2 kèm nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ tuổi thọ giảm 12 năm. Đáng chú ý, ĐTĐ type 2 kèm nhồi máu cơ tim và đột quỵ có tuổi thọ giảm 15 năm.

Việc kiểm soát đường huyết tích cực sẽ giảm xuất hiện biến chứng mạch máu nhỏ và kiểm soát đường huyết tích cực sớm sẽ góp phần giảm biến cố tim mạch và tử vong. Vì vậy, cần phải kiểm soát đường huyết sớm, tích cực và an toàn.

"Mục tiêu điều trị bệnh nhân ĐTĐ không chỉ là kiểm soát đường huyết mà còn cần dự phòng và điều trị các biến chứng, nhất là các biến chứng tim mạch – thận. Sử dụng sớm loại thuốc phù hợp không chỉ kiểm soát đường huyết hiệu quả mà còn cho thấy sự bảo vệ toàn diện tim mạch – thận ở bệnh nhân ĐTĐ type 2, giúp giảm biến chứng tim mạch, đặc biệt giảm nguy cơ tử vong tim mạch, giảm nguy cơ nhập viện, giảm biến chứng thận", GS.TS.BS Trần Hữu Dàng nhận định.

Chia sẻ về những khuyến cáo mới trong điều trị đái tháo đường, PGS.TS.BS Đỗ Trung Quân - Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Hà Nội - cho biết: "Bệnh nhân ĐTĐ type 2 thường có nguy cơ cao biến cố tim mạch, thận. ADA 2024 (Hướng dẫn điều trị tiểu đường, đái tháo đường của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2024) khuyến cáo chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 đòi hỏi cách tiếp cận sớm, lấy bệnh nhân làm trung tâm, đa yếu tố, không chỉ cải thiện kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ trong ngắn hạn mà còn giảm nguy cơ biến chứng liên quan tim mạch và thận trong dài hạn".

Chuyên gia y tế tham gia Hội nghị thường niên Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM. Ảnh: Xuân Dự

Chuyên gia y tế tham gia Hội nghị thường niên Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM. Ảnh: Xuân Dự

Cũng theo PGS.TS.BS Đỗ Trung Quân, nghiên cứu trên thế giới cho kết quả nhất quán trong hiệu quả bảo vệ tim mạch so với các nghiên cứu RCT trước đây, giúp cải thiện đáng kể các biến cố tim mạch so với DPP4i (nhóm ức chế dipeptidyl peptidase 4), từ đó giúp giảm sử dụng nguồn lực y tế so với DPP4i.

Theo khuyến cáo, SGLT2i (nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2) là liệu pháp giúp quản lý toàn diện bệnh nhân ĐTĐ, được ưu tiên hơn DPP4i trong điều trị hiện nay.

Trong khi đó, PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - đặt ra vấn đề có nên ngừng SGLT2i khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn niệu sinh dục

Đối với vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân cho biết phần lớn các thử nghiệm lâm sàng với nhóm ức chế SGLT2i đã báo cáo việc ngừng điều trị trong giai đoạn nhiễm trùng bộ phận sinh dục không liên quan đến tiên lượng tốt hơn. Nhiễm trùng sinh dục ở những bệnh nhân này là thường biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình đáp ứng tốt với điều trị tiêu chuẩn và không cần ngừng điều trị SGLT2i.

PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân nhấn mạnh: "Các khuyến cáo mới nhất đều cho thấy SGLT2i là lựa chọn ưu tiên trong kiểm soát cân nặng và bảo vệ cơ quan trọng yếu, đặc biệt là tại tim mạch và thận.

Đối với từng bệnh nhân, cần tuân thủ các chỉ định cũng như theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân để tăng khả năng tuân trị, tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng không mong muốn là hết sức cần thiết trong thực hành lâm sàng điều trị đái tháo đường".

Được biết, Hội nghị thường niên Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM diễn ra trong thời gian 24-25/8, có sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu với 84 bài báo cáo khoa học trình bày trong 18 phiên chính thức về chuyên đề đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, chuyển hóa xương, các bệnh nội tiết hiếm gặp…

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM - chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM - chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Chia sẻ về mục tiêu của hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM - cho biết: "Đái tháo đường và nội tiết cùng các chuyên ngành liên quan là một trong những lĩnh vực có nhiều nghiên cứu phát triển nhanh nhất gần đây, mở đường cho những đột phá trong điều trị đái tháo đường và nội tiết. Các hội nghị chuyên đề tại hội thảo sẽ cập nhật các kiến thức chuyên ngành, hướng dẫn điều trị dựa trên những thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực hành lâm sàng cho y bác sĩ chăm sóc ban đầu cũng như bác sĩ chuyên khoa ở các đơn vị chăm sóc y tế chuyên sâu".

Xuân Dự

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-dai-thao-duong-type-2-kem-nhoi-mau-co-tim-va-dot-quy-co-nguy-co-giam-15-nam-tuoi-tho-169240824121559582.htm