Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận lợn chỉnh sửa gene đột ngột qua đời
Bệnh nhân Rick Slayman (62 tuổi), bị bệnh thận giai đoạn cuối đã được phẫu thuật cấy ghép thận lợn đã qua chỉnh sửa gene vào cơ thể hồi tháng 3/2024.
Ngày 11/5, Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) xác nhận, ông Rick Slayman - bệnh nhân đầu tiên được ghép thành công thận lợn đã qua chỉnh sửa gene vừa qua đời. Bệnh viện đa khoa Massachusetts là nơi thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân trên.
Hồi tháng 3 vừa qua, các bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã ghép thận lợn đã qua chỉnh sửa gene vào cơ thể bệnh nhân 62 tuổi bị bệnh thận giai đoạn cuối. Cuộc phẫu thuật kéo dài 4 giờ đã diễn ra thành công.
Thông báo mới của bệnh viện nêu rõ, bệnh nhân Rick Slayman đột ngột qua đời và không có dấu hiệu nào cho thấy nguyên nhân tử vong là do ca cấy ghép.
Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã gửi lời tri ân bệnh nhân Slayman vì đã tin tưởng và sẵn sàng tham gia ca ghép thận giúp thúc đẩy lĩnh vực ghép tạng có nguồn gốc từ động vật vào cơ thể người (xenotransplantation), củng cố hy vọng cho nhiều bệnh nhân cần ghép tạng khác.
Quả thận được cấy vào cơ thể bệnh nhân Slayman do công ty công nghệ sinh học eGenesis ở Massachusetts cung cấp. Thận được chỉnh sửa gene để loại bỏ những gene có hại của lợn và bổ sung một số gene của người.
Trước đó, ông Slayman đã được ghép thận người năm 2018 nhưng sau 5 năm, quả thận cũng bị hỏng. Ngoài bệnh thận, ông mắc cả bệnh tiểu đường tuýp 2 và cao huyết áp.
Tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép xảy ra trên toàn thế giới. Tháng 3, bệnh viện Boston (Mỹ) thông báo có hơn 1.400 bệnh nhân trong danh sách chờ được ghép thận.