Bệnh nhân hôn mê vì biến chứng cấp tính của căn bệnh rất nhiều người Việt mắc
Nhập viện trong tình trạng hôn mê, các bác sĩ xác định nguyên nhân là do người bệnh bị hạ đường huyết. Để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động theo dõi đường huyết và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
Ngày 19/9, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân là bà L.M.H (65 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân).
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình người bệnh ghi nhận, bà M.H được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 gần 2 năm qua.
Bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bằng thuốc. Thời gian gần đây, bà thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi và đột ngột rơi vào hôn mê, được gia đình phát hiện chuyển đến bệnh viện cấp cứu
Tại khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của người bệnh là do bị hạ đường huyết. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực phối hợp với phục hồi chức năng, sức khỏe dần bình phục.
BS Trần Viết Thắng, Phó khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh. Biến chứng cấp tính có thể xảy ra gồm nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết và các biến chứng mạn tính tim mạch, thận, thần kinh, thị giác.
Tình trạng hạ đường huyết ở người bệnh xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3,6mmol/l. Nguyên nhân có thể là do người bệnh dùng quá liều thuốc hạ đường huyết; ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc; tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu. Dấu hiệu là bệnh nhân đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực..., nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê, tử vong.
Từ trường hợp trên, BS Trần Viết Thắng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên để duy trì ở mức ổn định, tránh biến chứng và nâng cao hiệu quả điều trị.
Để kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần tuân thủ điều trị bằng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và có sự phối hợp giữa chế độ ăn uống, vận động thể lực, duy trì thói quen tự theo dõi đường huyết mỗi ngày.
“Người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định. Chỉ số HbA1C mục tiêu là 7.0% (có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của người bệnh). Trong đó, đường huyết trước ăn dao động từ 4.0 - 7.0 mmol/l và dưới 10 mmol/l tại thời điểm 2 giờ sau ăn. Việc đo đường huyết có thể thực hiện vào 4 thời điểm trong ngày gồm: đo đường huyết đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); trước khi ngủ; trước hoặc sau khi tập thể dục” - BS Thắng cho hay.
Theo ước tính của Hội Nội tiết Đái tháo đường, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 3,5 triệu người đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự báo, số người mắc đái tháo đường trên cả nước sẽ tăng lên gần 6.3 triệu người vào năm 2045. Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm, phổ biển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh thường tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.