Bệnh nhân lớn tuổi nhất được chữa khỏi HIV nhờ cấy tế bào gốc
Bệnh viện City of Hope - nơi bệnh nhân thứ 4 được chữa khỏi bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Nguồn: dailynewsera.com
Một nam giới 66 tuổi, sống tại California (Mỹ) đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV nhờ liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Đây là người thứ 4, cũng là người lớn tuổi nhất trên thế giới được chữa khỏi HIV bằng phương pháp này.
Bệnh nhân mới nhất khỏi bệnh có biệt danh “City of Hope”, đặt theo tên bệnh viện nơi điều trị cho ông tại TP Duarte, California, do ông không muốn tiết lộ danh tính.
Ông được chẩn đoán dương tính với virus HIV vào năm 1988 và tưởng rằng đã "lĩnh án tử". Thời gian sau đó, ông duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) để kiểm soát tình trạng bệnh trong hơn 30 năm. Sau ca cấy ghép hơn 3 năm trước và thời gian hóa trị, bệnh nhân đã ngừng điều trị ARV vào tháng 3/2021. Hiện ông thuyên giảm cả HIV và bệnh bạch cầu trong hơn một năm.
Tế bào gốc được lấy từ người hiến tặng có khả năng kháng virus tự nhiên. Bệnh nhân Timothy Ray Brown, người đầu tiên khỏi nhiễm HIV trên thế giới, còn gọi là "bệnh nhân Berlin", cũng được điều trị bằng phương pháp này.
Theo các nhà khoa học, phương pháp này hiệu quả bởi tế bào gốc của người hiến tặng có đột biến gene đặc biệt, hiếm gặp. Chúng thiếu các thụ thể mà HIV có thể sử dụng để lây nhiễm tế bào. Người mang gene có khả năng kháng virus tự nhiên.
Các chuyên gia cho rằng trường hợp của nam bệnh nhân trên mở ra khả năng điều trị dứt điểm cho những người lớn tuổi bị HIV và ung thư máu, đặc biệt khi người hiến tế bào gốc không phải thành viên trong gia đình. Đến nay, thế giới ghi nhận 3 trường hợp được chữa khỏi HIV. Người đầu tiên là Timothy Ray Brown. Ông loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể trong 12 năm. Đến năm 2020, ông qua đời vì ung thư.
Bệnh nhân thứ hai là Adam Castillejo, xác nhận khỏi HIV năm 2019. Cả hai đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV. Người thứ ba là một phụ nữ, khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn của người hiến tặng.
Thông tin này đã được các nhà nghiên cứu công bố ngày 27/7 trước khi cuộc họp của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS) 2022 bắt đầu ngày 28/7.
* Ngày 27/7, LHQ công bố báo cáo cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS toàn cầu năm 2022, trong đó cảnh báo cuộc chiến chống "căn bệnh thế kỷ" đang đứng trước nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của LHQ về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS), trong năm 2021, số trên toàn thế giới ước tính khoảng 1,5 triệu ca, giảm 3,6% so với năm trước đó.
Đây là tốc độ giảm chậm nhất kể từ năm 2016. Trong những năm gần đây, các khu vực Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latin, Trung Đông và Bắc Phi đều ghi nhận số ca nhiễm mới HIV hằng năm gia tăng.
Philippines, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan là những quốc gia có mức tăng số ca nhiễm mới HIV cao nhất kể từ năm 2015.
Đáng chú ý, một số khu vực như châu Á - Thái Bình Dương trước đây ghi nhận số ca nhiễm mới HIV giảm thì nay gia tăng trở lại.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu như xung đột tại Ukraine và khủng hoảng kinh tế đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với cuộc chiến chống dịch HIV/AIDS.
Còn theo Phó Giám đốc điều hành UNAIDS Matthew Kavanagh, trong 2 năm qua, các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đã bị gián đoạn ở nhiều quốc gia, các nguồn lực bị thu hẹp và hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm. Theo UNAIDS, đại dịch COVID-19 đã cản trở việc thực hiện các sáng kiến phòng, chống HIV/AIDS, trong khi các sự kiện khác xảy ra trên thế giới như cuộc xung đột ở Ukraine buộc các quỹ phải chuyển hướng tập trung.
UNAIDS ước tính năm 2021 có khoảng 38,4 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV, trong đó khoảng 75% đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, số người được điều trị HIV/AIDS trong năm ngoái tăng chậm nhất trong hơn một thập kỷ. Năm 2021 có 650.000 ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Theo cơ quan trên, dự tính cần thêm 29 tỉ USD cho công cuộc chống HIV/AIDS ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và tiến tới chấm dứt dịch bệnh này trên toàn cầu. Người đứng đầu UNAIDS nhấn mạnh thế giới có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhưng để đạt được điều này các quốc gia cần hành động.