Bệnh nhân tâm thần đánh chết nữ nhân viên y tế bị xử lý thế nào?
Luật sư cho biết, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, xảy ra không ít những vụ án đau lòng do người mắc bệnh tâm thần gây án.
Mới đây nhất, vào sáng ngày 15/8, trên địa bàn xã Đức Chánh, (Mộ Đức, Quảng Ngãi) một nữ nhân viên y tế trên đường đi làm về bất ngờ bị một bệnh nhân tâm thần dùng cây gỗ đánh vào vùng đầu dẫn đến tử vong.
Theo Công an huyện Mộ Đức, nạn nhân là bà Đ.T.T.H. (55 tuổi, nhân viên y tế xã Đức Chánh), còn nghi phạm gây án là Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi, trú xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, là người có tiền sử bị bệnh tâm thần).
Bệnh nhân Nguyễn Thành Sơn đang được theo dõi, điều trị tại địa phương. Bà H. từng cấp phát thuốc điều trị bệnh cho S.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người tâm thần gây ra án mạng. Trước đó, vào ngày 10/5, tại một căn nhà trên đường Trần Phú, ở quận 5, TP.HCM xảy ra một vụ án sát hại mẹ và dì ruột gây xôn xao.
Vào cuộc điều tra, công an xác định làm rõ, nghi phạm Trần Hồ Hiếu Thịnh (33 tuổi) sống cùng với 2 nạn nhân trên có tiền sử bệnh tâm thần đã dùng dao sát hại mẹ và dì ruột ngay trong căn nhà của mình.
Mặc đù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra để hạn chế người tâm thần gây án nhưng đến nay, những vụ án mạng thương tâm vẫn xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều độc giả quan tâm, người phạm tội khi đang mắc bệnh thâm thần sẽ bị xử lý như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Khương Tân Phương (Trưởng VPLS Thuận Nam, đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, với những trường hợp người mắc bệnh tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng nguy hiểm cho xã hội.
Dẫn chứng quy định của pháp luật, luật sư Phương cho biết, tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Như vậy theo pháp luật hiện hành, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Phương nêu quan điểm.
Tuy nhiên, luật sư Phương nhấn mạnh, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận rằng tại thời điểm gây án họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất năng lực hành vi.
Về nghĩa vụ bồi thường, luật sư Phương cho biết người đại diện hợp pháp của người tâm thần sẽ phải thay người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân.
Theo luật sư Phương, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc đưa người tâm thần đi chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh khi người bệnh chưa phạm tội. Do đó, việc đưa người mắc bệnh tâm thần đi khám chữa bệnh phụ thuộc vào quyết định của gia đình người bệnh.
Để hạn chế thấp nhất những vụ án mạng do người tâm thần gây ra, các cơ sở y tế địa phương cần có chương trình hỗ trợ cho các gia đình có người thân mắc bệnh và có phương án vận động, phối kết hợp với các gia đình đưa người bệnh khám, chữa, điều trị bệnh. Đặc biệt không để người bệnh tâm thần tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra.