Xóa bỏ tâm lý cầu may

Ngành giao thông nên tính toán để có thêm những biện pháp đủ mạnh trong xử lý vi phạm.

Ngày 17-11, trong Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn năm 2024, thông tin từ Ban An toàn giao thông TP HCM mang tới nhiều điều đáng suy nghĩ.

Theo đó, bên cạnh việc mãi mãi ra đi của hàng trăm nạn nhân, hàng trăm người khác bị thương - đồng nghĩa với chuyện dồn áp lực lên các bệnh viện, cơ sở y tế… thì một kết quả khảo sát từ nhiều đối tượng chỉ ra con số giật mình.

Cụ thể, khi được hỏi, 71,8% số người trả lời lý do vi phạm vì "không nhìn thấy CSGT"; 55% nói "làm theo người khác"; 56,8% nghĩ rằng có thể "né" được CSGT trong lúc di chuyển.

Khảo sát dù chưa thực sự làm rõ mối liên quan giữa những lý do ấy với số vụ vi phạm, tai nạn hay mức độ tổn thất về người và tài sản…, song những vụ bỏ chạy rồi ngã khi bị phát hiện, chống đối lúc xử lý đã phần nào giúp hình dung về tác hại của 3 cách suy nghĩ lệch lạc ở trên.

Khi quá trình tuân thủ pháp luật không xuất phát từ sự tự thân thì sự tồn tại tâm lý "cầu may" và đối phó vừa gây rủi ro cho chính người sở hữu tâm lý ấy vừa làm cho tiến trình hướng tới cách hành xử văn minh ít nhiều vướng những hạt sạn.

Vì vậy, bên cạnh nhiều thông điệp, khuyến cáo tốt như "Đã uống rượu bia không lái xe", "Nhanh một phút chậm cả đời"…, ngành giao thông nên tính toán để có thêm những biện pháp đủ mạnh trong xử lý. Đó có thể là vi phạm nào cũng bị phát hiện, hoặc tự giác để an toàn!

Hãy hiện thực thông điệp, khuyến cáo ấy bằng hệ thống những biện pháp như camera, tuần tra, tin báo của người dân…

Ngọc Kỳ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xoa-bo-tam-ly-cau-may-196241117215027653.htm