Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa
Ngày 25/8, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư.
Đây là một trong những hội nghị chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình hoạt động hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu, trong đó có hơn 30 chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế đến từ các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), Hội Ung thư vú Đông Nam Á (SEABCS) và các quốc gia Hoa Kỳ, Đức, Canada, Chile, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan…
Bệnh ung thư là nhóm bệnh lý không lây nhiễm nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Gánh nặng ung thư tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm, điều đáng quan ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.
Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư.
Tại một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sự phát triển của xã hội cùng những tiến bộ y học vượt bậc, ung thư không còn là nỗi sợ hãi và ám ảnh bởi bệnh ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, kịp thời và nhờ những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ vừa cập nhật lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.
Để đạt được mục tiêu này, cần tích cực triển khai mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ các chiến lược toàn cầu, đặc biệt đối với những bệnh ung thư có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.