Sắp diễn ra tọa đàm 'Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa'

Sáng 16.11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm nhằm làm rõ vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cũng như sự cần thiết tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này.

Theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 23.11. Một trong ba chính sách được tập trung sửa đổi lần này là tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Điều này được đánh giá là đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, tạo thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để góp phần hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và đại diện địa phương được đánh giá làm tốt công tác xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa.

Nội dung tọa đàm chia làm 2 phần. Phần I là về vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Phần II tập trung phân tích cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thông qua ý kiến chia sẻ của các khách mời từ nhiều góc nhìn khác nhau, tọa đàm mong muốn góp phần làm rõ hơn vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cũng như sự cần thiết của việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất để các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những tác động tích cực đối với thực tiễn hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

ĐBND

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sap-dien-ra-toa-dam-hoan-thien-co-che-chinh-sach-huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-post396450.html