Bệnh nhi thủy đậu tại Hà Nội tăng đột biến

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 trẻ mắc thủy đậu. Cùng kỳ năm 2022, con số này chỉ là 4 ca.

Chị T.T.N. (Hà Đông) cho biết phát hiện con có triệu chứng sốt 3 ngày trước, sau đó nổi một số vết ban tròn đỏ. Nghĩ con bị côn trùng đốt, chị N. cho con điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, con chị N. sau đó xuất hiện thêm các bọng nước, mụn mủ, sốt không dứt. Lúc này, gia đình mới đưa con đến bệnh viện và được chẩn đoán mắc thủy đậu.

Trên thực tế, đây không phải trường hợp hiếm gặp. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), số trẻ mắc thủy đậu phải tới khám và điều trị trong thời gian gần đây đã tăng 30% so với tháng trước.

Dự báo số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Nhiệt đới, cho hay trong tuần vừa qua, số trẻ mắc thủy đậu đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng so với cùng thời điểm này tháng trước.

Các trường hợp đều phải nhập viện với các dấu hiệu như sốt, đau đầu, nhức cơ, nổi ban tròn đỏ khắp cơ thể tiến triển thành bọng nước, mụn mủ. Ngoài ra, các bệnh nhi thường kèm triệu chứng ho và tiêu chảy.

 Bác sĩ Kim Anh thăm khám cho bệnh nhi mắc thủy đậu. Ảnh: VN.

Bác sĩ Kim Anh thăm khám cho bệnh nhi mắc thủy đậu. Ảnh: VN.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 trẻ mắc thủy đậu. Đáng nói, cùng kỳ năm 2022 con số này chỉ là 4 ca. Số lượng bệnh nhi chủ yếu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Số lượng người mắc cao điểm thường từ tháng 3 đến 5. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán. Do đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Phát hiện bệnh và các giai đoạn

Khi bị thủy đậu, người bệnh buộc phải trải qua 4 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và bình phục. Dù vậy, việc phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh sẽ giúp việc điều trị nhanh và hiệu quả hơn.

Một số triệu chứng cụ thể của bệnh thủy đậu người dân cần lưu ý là sốt, sổ mũi, đau đầu, ho nhẹ, mệt mỏi và chán ăn. Các trường hợp nhiễm virus thường có triệu chứng sau 7-21 ngày.

Sau khoảng 2-3 ngày kể từ thời điểm có những biểu hiện trên, bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt ban, chấm đỏ hồng trên cơ thể, mẩn ngứa. Sau đó, người bệnh sẽ xuất hiện mụn nước có kích thước bằng hạt đậu, dịch đặc hoặc mủ bên trong.

Những nốt mụn này sẽ xẹp xuống, khô và đóng vảy sau 4-5 ngày tiếp theo. Nếu được điều trị tốt và kịp thời, bệnh sẽ khỏi sau một tuần. Tuy nhiên, trong trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ kéo dài từ 2 đến 3 tuần và để lại sẹo ở những vùng xuất hiện mụn, gây mất thẩm mỹ.

 Mụn nước là một trong những triệu chứng điển hình của thủy đậu. Ảnh minh họa: Which.

Mụn nước là một trong những triệu chứng điển hình của thủy đậu. Ảnh minh họa: Which.

Virus gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh; tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân; chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.

Đặc biệt, virus này còn có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây bệnh thủy đậu bẩm sinh hoặc các dị tật. Bên cạnh đó, bệnh còn gây nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần cũng như vận động.

BS Kim Anh khuyến cáo với các trường hợp mắc thủy đậu, người dân không nên tự điều trị tại nhà. Việc đến gặp bác sĩ sẽ giúp bệnh nhận được khám, chẩn đoán và hồi phục nhanh hơn.

Đối với trẻ em có sức đề kháng yếu, khi bị thủy đậu, bên cạnh xuất hiện các nốt mụn, trẻ sẽ kèm theo hiện tượng sốt. Vì thế, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc giảm sốt không chứa aspirin như acetaminophen để làm giảm triệu chứng sốt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng thuốc trị dị ứng, kem thoa như calamine...

Với những người có nguy cơ nhiễm trùng cao hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng virus để giảm biến chứng do thủy đậu gây ra.

Bên cạnh việc dùng thuốc, vị chuyên gia nhấn mạnh chế độ sinh hoạt phù hợp cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến thời gian khỏi bệnh.

“Trong các trường hợp bị thủy đậu, bệnh nhân tuyệt đối không sờ hay gãi các nốt mụn bị phồng lên. Nguyên nhân là mụn có thể vỡ ra, dịch mủ từ đó lây lan ra các khu vực khác”, BS Kim Anh nói.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên kiêng tắm bởi hiểu nhầm này càng khiến cơ thể có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Thay vào đó, mọi người có thể sử dụng nước ấm để tắm, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào nốt mụn.

Các bệnh nhân cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh bệnh lây lan, đồng thời bổ sung một số vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh nhấn mạnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp và đường hô hấp, cho đó để phòng ngừa bệnh hiệu quả và an toàn, việc tiêm vaccine phòng thủy đậu rất cần thiết. Vai trò của vaccine thủy đậu còn đặc biệt quan trọng với những người chưa từng bị thủy đậu hoặc trẻ nhỏ và phụ nữ có kế hoạch mang thai.

Thống kê cũng chỉ ra có hơn 90% người tiêm vaccine thủy đậu đã phòng tránh được bệnh. Vì vậy, người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình bằng cách tiêm vaccine ngừa thủy đậu.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-nhi-thuy-dau-tai-ha-noi-tang-dot-bien-post1416805.html