'Bệnh' quên tiếng Việt - Bài 1: Mixue là gì mà tràn lan trên phố?
Ngày nay, đi trên các tuyến phố, con đường từ nông thôn đến thành thị, chúng ta rất dễ bắt gặp những cửa hàng, biển hiệu của các đơn vị, cơ sở kinh doanh 'quên' ghi tiếng Việt. Có những con phố ở đô thị lớn, cả dãy tên cửa hàng, biển hiệu được ghi toàn bằng chữ nước ngoài. 'Bệnh' quên tiếng Việt này không chỉ là ý thức về bản sắc văn hóa và tự tôn dân tộc mà còn vi phạm quy định pháp luật.
Kinh doanh ở Việt Nam, nhưng nhiều bảng hiệu của cửa hàng Mixue không ghi tiếng Việt.
Kinh doanh ở Việt Nam sao không ghi tiếng Việt?
Gần đây, nếu đi dọc các con phố Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng có tấm biển đỏ nổi bật, với dòng chữ “Mixue – Since 1997 – Ice Cream & Tea”, bên cạnh là biểu tượng người tuyết cầm trên tay cây kem. Nhãn hàng này chỉ mới xuất hiện một thời gian ngắn nhưng đã có tới hàng trăm cửa hàng với biển hiệu có tính chất "mặc đồng phục" như vậy trên các tuyến phố của Thủ đô.
Không chỉ ở Hà Nội, nhãn hàng này nhanh chóng phủ khắp trên cả nước. Được biết, các cửa hàng Mixue trên phạm vi toàn quốc đều biển hiệu “một màu” như vậy.
Bà Nguyễn Thanh Thủy (phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), kể về việc con mình đòi mua Mixue: "Tôi cứ thấy trẻ con nhà tôi đòi mẹ đưa đi quán Mixue mà tôi cũng chả biết Mixue là cái gì. Đến đấy mới biết nó là quán trà sữa, kem và đồ ăn vặt. Tôi cứ băn khoăn, sao bán những đồ này mà không treo biển hiệu có ghi rõ tên gọi bằng tiếng Việt Nam? Chỉ ghi bằng mấy từ tiếng nước ngoài, thì làm sao người dân hiểu được?".
Ông Nguyễn Đình Lộc (xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Ở xã tôi cũng có cửa hàng Mixue, chả biết trong đó mua bán cái gì, thấy bảng hiệu màu đỏ khá bắt mắt, nhưng toàn ghi tiếng nước ngoài thì người dân ai mà hiểu được. Theo tôi, đã kinh doanh ở Việt Nam thì tốt nhất là dùng tiếng Việt Nam".
Khắp từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, người ta đều dễ dàng bắt gặp cửa hàng đồ uống mang tên Mixue. Dù chỉ là nhãn hàng mới ra nhập thị trường Việt Nam, nhưng doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã có bước phát triển khá "thần tốc", với hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ, trải rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Thế nhưng, có một điều cũng khiến người dân thắc mắc về nhãn hàng này, bởi nó không hề có một chữ tiếng Việt nào trên bảng hiệu, ngoại trừ dòng chữ ghi địa chỉ của cửa hàng. Trên các bảng hiệu này chỉ có chữ "MIXUE Since 1997 ice cream & tea", cùng hình linh vật người tuyết, được cho là biểu tượng của nhãn hàng này.
Nếu người Việt Nam nào chưa từng vào cửa hàng Mixue, hoặc chưa từng được nghe nói về nhãn hàng này thì thật khó để biết bảng hiệu Mixue kia là đơn vị nào, kinh doanh mặt hàng gì. Còn với những người yêu văn hóa dân tộc và "tiếng nước tôi" thì câu hỏi sâu xa hơn, là tại sao họ không ghi lên đó dòng chữ tiếng Việt khi kinh doanh ở Việt Nam, đặt cửa hàng, biển hiệu ở Việt Nam?
Bảng hiệu Mixue có thể dịch ra tiếng Việt
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Mixue là tên gọi của hệ thống cửa hàng bán trà sữa và kem tươi, có xuất xứ từ Trung Quốc, ra đời năm 1997. Đến nay, Mixue đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một thương hiệu lớn, ngày càng mở rộng quy mô và vươn ra nhiều nước.
Mixue vào thị trường Việt Nam năm 2018. Đây là thương hiệu đồ uống phát triển nhanh chóng ở thị trường nước ta. Tốc độ mở rộng "đế chế" của đồ uống này trên phạm vi toàn quốc rất nhanh, đến cuối năm 2022, hệ thống Mixue có hơn 600 cửa hàng tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội là hơn 130 cửa hàng. Tới tháng 4/2023, số cửa hàng Mixue ở Hà Nội vào khoảng 500 cửa hàng.
Thế nhưng, trên bảng hiệu của nhãn hàng này không có lấy một chữ tiếng Việt, trừ địa chỉ của cửa hàng. Trong khi đó, theo những thông tin chúng tôi cập nhật, tại Trung Quốc, thị trường quê nhà của nhãn hàng này, tên bảng hiệu được sử dụng 100% là tiếng Trung, không có bất cứ dòng chữ kiểu tiếng Anh nào như những gì họ đang thể hiện ở Việt Nam.
Ông Bùi Đức Hưng, công tác tại một hãng hàng không ở Hà Nội, chia sẻ: Nội dung trên bảng hiệu của Mixue treo tại các cửa hàng ở Việt Nam, nói là không thể thay thế bằng tiếng Việt là rất khó chấp nhận. Nội dung này hoàn toàn có thể lược dịch ra tiếng Việt. Chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi là bản thân tên nhãn hàng này được dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh thì tại sao lại không dịch được sang tiếng Việt? Việc ghi biển hiệu tiếng Việt giúp cho người Việt hiểu rõ đây là bảng hiệu của cửa hàng bán cái gì.
Là một nhãn hàng lớn, có tốc độ phát triển hệ thống bao phủ thần tốc, nhưng nếu Mixue không sử dụng tiếng Việt trên bảng hiệu, rất có thể một ngày nào đó tên gọi Trà sữa và Kem sẽ được thay bằng thuật ngữ Mixue ngoại lai kia?