Bệnh rối loạn tiền đình đang dần trẻ hóa
Mới đây, theo số liệu của Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, nơi đây tiếp nhận mỗi tháng hơn 100 người trẻ rối loạn tiền đình, nhỏ nhất 26 tuổi, trong khi đây là bệnh hay thường xảy ra ở người trên 40 tuổi.
Stress là nguyên nhân chính
Thăm khám tại bệnh viện, chị B.C.M. (29 tuổi, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết mỗi khi lên cơn chóng mặt, hoa mắt, chị nằm một chỗ, không thể đi lại, không thể tự ăn uống. Chị thấy mọi thứ xoay vòng, sụp đổ, buồn nôn. Mỗi lần cơn chóng mặt “bùng phát”, cuộc sống của chị đảo lộn.
“Chị nghỉ làm, chồng chị cũng ở nhà chăm sóc chị. Chị thường xuyên thức khuya đến 2-3 giờ sáng để giải quyết công việc tồn đọng ở công ty, chị nhận thêm nhiều công việc khác, ngồi trước máy tính 14-15 giờ/ngày, không vận động. Công việc áp lực, stress, chị thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu”, bệnh nhân cho biết.
Cách đây 3 năm, chị M. cũng đã từng được chẩn đoán rối loạn tiền đình ở một bệnh viện khác. 3 năm qua, chị sống chung với bệnh, điều trị theo toa thuốc bác sĩ nhưng bệnh hay tái phát. Chị ám ảnh mỗi khi nghĩ đến phải sống chung với bệnh cả đời.
Còn chị T.L.T. (27 tuổi, quận Tân Bình) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vì hoa mắt, chóng mặt, nôn ói khi đang làm việc, được chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Với vị trí trưởng phòng, chị T. làm việc liên tục hơn 10 tiếng/ngày, không có ngày cuối tuần, ngủ mỗi ngày chỉ 3-4 giờ. Nhiều lần chị T. kiệt sức, chóng mặt phải nhập viện.
Thạc sĩ bác sĩ CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 100 người trẻ dưới 40 tuổi bị rối loạn tiền đình, chiếm 13,8% tổng số bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) do thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ.
Đặc biệt nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu do hoa mắt, chóng mặt, nôn ói. Trong khi bệnh này thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên, theo Thư viện Y khoa Mỹ. Trong quá trình khám, bác sĩ Hằng chia sẻ sở dĩ nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình do chế độ sinh hoạt chưa khoa học, lành mạnh như lịch làm việc dày đặc, phải làm việc liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi; công việc quá áp lực; thường xuyên stress, căng thẳng; ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính; không vận động; thiếu ngủ…
Khi căng thẳng, stress, cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol tác động tiêu cực đến việc truyền thông tin từ hệ thống tiền đình đến não, khiến hệ thống tiền đình nhận thông tin không chính xác, dẫn đến rối loạn. Khi ngồi trước máy tính nhiều giờ liền, không vận động ảnh hưởng đến lưu thông máu đến não, có thể gây rối loạn tiền đình trung ương. Căng thẳng không trực tiếp gây chóng mặt nhưng góp phần gây rối loạn chức năng phần tai trong kiểm soát sự cân bằng (hệ thống tiền đình).
Bác sĩ Hằng cho biết tỷ lệ hồi phục khi điều trị người trẻ rối loạn tiền đình thường cao hơn so với người lớn tuổi nếu chẩn đoán chính xác sớm và điều trị đúng cách. Các tế bào và mô trong cơ thể người trẻ hoạt động hiệu quả hơn trong việc phục hồi tổn thương. Đồng thời, người trẻ cũng không mắc các bệnh nền vốn làm phức tạp thêm quá trình điều trị và hồi phục như tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch.
Điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm
Rối loạn tiền đình là một chuỗi phức tạp những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết với hệ thống tai trong, hệ thống dẫn truyền từ tai trong vào não, hệ thống não phản xạ…
Rối loạn tiền đình gồm 2 dạng: rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm khoảng 90%) và rối loạn tiền đình trung ương. Nếu rối loạn tiền đình trung ương thường gặp nhất do bệnh Migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác thì rối loạn tiền đình ngoại biên thường do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménìere, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp, rối loạn chuyển hóa bao gồm: suy giáp, tiểu đường, tăng urê…
“Rối loạn tiền đình trung ương nguy hiểm hơn, để lại biến chứng lâu dài, nguy cơ đột quỵ, tai biến nếu không điều trị kịp thời”, bác sĩ Hằng nói. Do đó, khi người bệnh thấy triệu chứng chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình, cần đi khám sớm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và đối diện nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/benh-roi-loan-tien-dinh-dang-dan-tre-hoa-post311430.html