Bệnh sởi, hô hấp tấn công trẻ nhỏ
Nhiều bệnh viện tiếp tục ghi nhận các ca bệnh nhi, đặc biệt dưới 9 tháng tuổi gặp biến chứng viêm phổi phải thở oxy, thở máy do mắc sởi và virus hô hấp hợp bào RSV.
Nhiều trẻ biến chứng viêm phổi
Thời gian qua, Khoa Nhi, Bệnh viện SaintPaul tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện điều trị do mắc virus hô hấp hợp bào RSV, trong đó nhiều trẻ gặp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.

Một ca nhiễm sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Sau 7 ngày điều trị viêm phổi do RSV tại đây, bé trai N.T.K (5 tháng tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa được cai máy thở. Mẹ bé K cho hay, con nhập viện trong tình trạng ho tím tái người, đờm đặc không thở nổi. Ngay khi vào viện, con được bác sĩ cho thở ô xy.
Cũng tại đây, một bé trai 6 tháng tuổi (Hoài Đức, Hà Nội) được chuyển từ tuyến huyện lên trong tình trạng ho nhiều, khó thở, phải thở ôxy hỗ trợ ngay sau nhập viện. Mẹ bé cho biết, ban đầu tưởng con chỉ ho do thời tiết thay đổi, tuy nhiên, tình trạng ngày một nặng khi cho con đi khám mới biết con nhiễm virus RSV và bắt đầu biến chứng viêm phổi.
Theo BS Nguyễn Thị Nhung, Khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Đa khoa SaintPaul, nhiều bệnh nhi mới chỉ 2, 3 tháng tuổi đã mắc virus RSV, có ca nặng phải chuyển hồi sức, thở máy.
Đáng lưu ý, nhiều trẻ đến viện chậm trễ khi đã có biến chứng viêm phổi nặng; trẻ được cha mẹ tự điều trị thuốc kháng sinh, thuốc có chứa corticoid khiến bệnh nặng hơn.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
BS Phạm Thị Kim Dung, Phó trưởng Khoa Nhi hô hấp cho hay, virus hô hấp đa bào khi xâm nhập vào gây tổn thương phổi, nhất là với trẻ dưới 6 tháng tuổi bởi trẻ non yếu, sức đề kháng kém. Thứ 2 là đường hô hấp của trẻ con nhỏ và hẹp nên quá trình viêm do RSV gây ra tại phổi gây ra xuất tiết, khò khè, tắc đờm dãi, gây bít đường thở.
Tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận nhiều trẻ biến chứng nặng do nhiễm virus hợp bào RSV.
Theo BS Dung, khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh, có thể dẫn tới khó thở, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh lây nhiễm virus hợp bào hô hấp cần phải giảm tiếp xúc, tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ, bởi virus bám dính và sinh sống trên các bề mặt khá lâu; Tránh cho trẻ tiếp xúc với các bé đang có biểu hiện ho, khò khè.
Những trẻ bị suy giảm miễn dịch thì có thể tiêm kháng thể đơn dòng để tăng hệ miễn dịch; Với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở khò khè… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Sởi tiếp tục tăng mạnh
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận tới 1.500 trường hợp mắc sởi, gần gấp đôi so với số ca mắc sởi nhập viện năm 2024. 50% ca nhiễm sởi phải nhập viện điều trị với nhiều biến chứng nặng, trong đó mới nhất ghi nhận một ca tử vong là bệnh nhi 44 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine sởi.
Các giường bệnh tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kín bệnh nhi mắc sởi. BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc trung tâm cho biết, có nhiều bệnh nhi phải thở máy và thở oxy.
"Các biến chứng của sởi thì vẫn như trước đây, thể viêm tai mũi họng hay gặp nhất, sau đến viêm phổi, hoặc tăng tình trạng đáp ứng viêm quá mức của cơ thể. Tình trạng này có thể gây suy giảm chức năng của một số cơ quan quan trọng như rối loạn tim mạch, rối loạn đông máu hoặc suy hô hấp, đó là những biến chứng nặng và đã gây ra trường hợp tử vong", BS Hải cho hay.
Có con 5 tháng tuổi đang điều trị sởi tại đây, chị N.T.H (Hà Nội) cho hay, con gái chị sốt nhiều, sốt cao liên tục, ho nhiều, phát ban kèm thở gấp. Đưa con vào viện chị H mới hay con mắc sởi. Chị H bày tỏ sự lo lắng vì con chị vẫn chưa tới tuổi tiêm phòng vaccine.
Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng tiếp nhận gần 300 ca mắc sởi điều trị nội trú và hơn 100 ca điều trị ngoại trú.
BS Nguyễn Văn Trưởng, Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: Hầu hết bệnh nhân mắc sởi nhập viện điều trị nội trú có biến chứng viêm phổi, một số suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy, thở máy xâm nhập.
Đa phần bệnh nhi là trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine.
Theo BS Hải, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh có khả năng gây dịch do virus sởi gây nên. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác.
Các bác sĩ khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh sởi cho trẻ, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu. Đồng thời, tránh để trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra; tuyệt đối không nên chủ quan tự ý điều trị sởi tại nhà bằng bất cứ phương pháp nào.