Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở phía Nam khi số ca mắc và tử vong tăng vọt, có tỉnh tăng tới hơn 340% so với cùng kỳ, nhiều trường hợp nhập viện biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương. Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết trên cả nước khi thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Tăng đột biến ca mắc, nhiều người biến chứng nặng

Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 8/7, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao, đột biến so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và TP Hồ Chí Minh tăng 151,4%.

Tại TP Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động với 14.370 ca mắc từ đầu năm tới nay. Cụ thể, khu vực TP Hồ Chí Minh (cũ) ghi nhận 11.014 ca (tăng 158%); khu vực Bình Dương (cũ) ghi nhận 2.494 ca (tăng 145%) và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) ghi nhận 862 ca (tăng 122%).

Cũng trong thời gian này, toàn TP ghi nhận 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó, khu vực TP Hồ Chí Minh 3 ca tử vong, khu vực Bình Dương 2 ca và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu 1 ca. Các chuyên gia dịch tễ nhận định, TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển.

Lật úp dụng cụ chứa nước để phòng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng.

Lật úp dụng cụ chứa nước để phòng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng.

Đáng chú ý, tại TP lớn nhất cả nước đã ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng phải nhập viện là người trẻ và trẻ em, nhiều trường hợp nhanh chóng lâm vào biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Những ca sốt xuất huyết tử vong gần đây ghi nhận ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là người trẻ, có cơ địa béo phì, khi nhập viện đã vào sốc và tái sốc nhiều lần, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và xuất huyết nặng, nhiễm trùng. Ca tử vong gần nhất là một phụ nữ sống tại vùng ven TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có cơ địa béo phì, sau khi mắc sốt xuất huyết đã rơi vào biến chứng suy đa tạng, không qua khỏi chỉ sau khoảng 3 ngày điều trị.

Theo nhận định của các bác sĩ, năm nay xuất hiện tình trạng nhiều ca nặng biến chứng suy gan, suy thận giống đợt dịch 3 năm trước. Có trường hợp phải điều trị kéo dài, dùng nhiều biện pháp điều trị hồi sức tích cực phức tạp, tốn kém, nếu không có bảo hiểm y tế, tiền viện phí có thể lên tới 100-200 triệu đồng.

Tại miền Bắc, Hà Nội vẫn dẫn đầu số ca mắc với 365 trường hợp từ đầu năm tới nay; ghi nhận thêm 4 ổ dịch mới trong tuần vừa qua. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết ở phía Bắc vào nhập viện. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn, từ tháng 5 Viện đã tiếp nhận bệnh nhân (trước kia phải tháng 10). Trường hợp nhập viện gần nhất là nam thanh niên 27 tuổi, trú tại phường Bắc Từ Liêm, Hà Nội có tiền sử ghép thận cách đây 6 năm. Sau 3 ngày sốt cao liên tục, nam thanh niên có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm mạnh, tình trạng cô đặc máu nghiêm trọng. May mắn, sau 9 ngày điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực, chàng trai đã thoát nguy kịch.

Các bác sĩ cũng cảnh báo trẻ em có cơ địa béo phì mắc sốt xuất huyết nguy cơ biến chứng cao hơn nhiều lần trẻ có chỉ số cân nặng bình thường. Điển hình có cháu 12 tuổi nhưng nặng tới 83kg, sau khi sốt cao liên tục vào nhập viện đã bị rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng. Kiểm soát cân nặng, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ là rất quan trọng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Dịch vẫn trong tầm kiểm soát

Theo ông Võ Hải Sơn, tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương. Trung bình mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và khoảng 100 ca tử vong. Bệnh diễn ra quanh năm, nhưng thường tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 11. Trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc tại các địa phương là rất lớn. Mặc dù sốt xuất huyết đang tăng đột biến ở phía Nam, song ông Sơn khẳng định, dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát nếu các địa phương và người dân cùng chủ động phòng dịch từ sớm, từ xa.

Ông Sơn cũng cho biết, chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn – từ khoảng 5 năm một đợt trước đây, nay còn khoảng 3–4 năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000. Vì vậy, nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình và đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố – đặc biệt những nơi có số ca mắc cao – cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, muốn kiểm soát dịch sốt xuất huyết phải làm tốt công tác dự phòng, làm giảm ca mắc. Bài học ở Brazil vừa qua cho thấy, khi số ca mắc vượt mốc 1 triệu – 3 triệu, số ca tử vong có thể tăng lên hàng nghìn, bất chấp hệ thống y tế không yếu kém. Do đó, mục tiêu “không có tử vong do sốt xuất huyết” chỉ có khả thi nếu kiểm soát được số ca mắc ngay từ đầu.

Chuyên gia cũng cảnh báo, so với những năm trước, số ca mắc hiện tại chưa cao, nhưng không thể chủ quan. Mùa mưa đang đến, nếu không có biện pháp phòng, chống quyết liệt, số ca bệnh sẽ tăng rất nhanh. Mặc dù, tỷ lệ tử vong hiện tại thấp, nhưng không được chủ quan khi số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng, sẽ đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải. Với số lượng ca nhập viện lớn, các ca nặng và nguy kịch có thể chiếm tới 20%. Khi đó, mọi nỗ lực điều trị sẽ bị áp lực rất lớn.

“Sốt xuất huyết là bệnh truyền qua muỗi. Mặc dù, đã có vaccine phòng bệnh, nhưng cần lưu ý, rằng vaccine không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống. Chúng tôi kêu gọi mỗi gia đình hãy dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa, đậy nắp các bể nước, thay nước lọ hoa thường xuyên, lật úp dụng cụ chứa nước… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển”, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh kêu gọi và cho biết, những hành động nhỏ, đơn giản tuy không tốn kém nhưng mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/benh-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-i774802/