'Nơi vết thương ánh sáng rọi vào' – Cánh cửa mở ra thế giới của sang chấn phức tạp
'Nơi vết thương ánh sáng rọi vào' không chỉ là một cuốn sách mà còn là tấm gương soi vào những vết thương vô hình mà nhiều người trong chúng ta vẫn mang theo. Để từ đó, mỗi người có thể bắt đầu hành trình chữa lành, dù muộn nhưng chưa bao giờ là quá trễ.
Liệu có khi nào ta nhận ra rằng mình từng bị bạo hành dưới danh nghĩa yêu thương? Câu hỏi đau đáu ấy là khởi điểm cho hành trình giãi bày của nhà báo Stephanie Foo – một người Mỹ gốc Malaysia, sống sót sau chấn thương tâm lý kéo dài từ thời thơ ấu. Cuốn hồi ký “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” (What My Bones Know) là một tác phẩm tiên phong, đưa độc giả đến gần hơn với khái niệm còn xa lạ: Sang chấn phức tạp (C-PTSD).

Bạo lực dưới lớp vỏ yêu thương
Stephanie Foo chuyển đến Mỹ từ năm hai tuổi rưỡi. Gia đình cô nuôi giấc mơ Mỹ, sống trong ngôi nhà khang trang tại San Jose, gần trường học tốt, có hồ bơi và sân thượng. Nhưng sau cánh cửa ấy lại là tuổi thơ đầy tổn thương – nơi cô bị cha mẹ bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần.
Từ một đứa trẻ luôn cố gắng ngoan ngoãn để được yêu thương, Stephanie sớm bị buộc phải trở thành người "chăm sóc" cảm xúc cho chính cha mẹ mình – một gánh nặng vượt quá khả năng của bất kỳ đứa trẻ nào. Những năm tháng ấy đã dẫn đến chẩn đoán C-PTSD – một dạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn ít được biết đến nhưng dai dẳng và khó chữa hơn PTSD thông thường.
C-PTSD: Cánh cửa chưa được gọi tên trong y học chính thống
Trong khi PTSD thường gắn với một biến cố đơn lẻ, C-PTSD lại bắt nguồn từ những sang chấn lặp đi lặp lại trong thời gian dài – đặc biệt là trong thời thơ ấu. Dù gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ xã hội, C-PTSD vẫn chưa được công nhận là một chẩn đoán chính thức trong DSM-5 – hệ thống phân loại bệnh tâm thần phổ biến hiện nay.
Tại Việt Nam, tài liệu nghiên cứu về C-PTSD còn rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” có thể xem là một tác phẩm mở đường, giúp định hình nhận thức cộng đồng về căn bệnh tâm lý thầm lặng này.
Một hành trình “sống sót” đầy dằn vặt nhưng không bi lụy
Cuốn sách là sự kết hợp giữa tự truyện và kiến thức tâm lý học. Qua lời kể chân thực, Stephanie tái hiện hành trình đấu tranh để hiểu và chữa lành chính mình – từ trầm cảm, lo âu, sự tự hủy hoại bản thân đến khó khăn trong xây dựng các mối quan hệ. Với người mắc C-PTSD, thế giới quanh họ dễ dàng trở thành mối đe dọa. Mỗi thất vọng, mỗi lời trách móc đều có thể trở thành “chất kích hoạt” khiến họ tái sống lại nỗi sợ cũ.

Tác giả mô tả cảm giác chữa lành như việc “trám thạch cao trắng lên những lỗ hổng sâu hoắm trong xương tủy” – nỗ lực dường như bất khả để lấp đầy những khoảng trống do tổn thương để lại.
Không chỉ là nỗi đau cá nhân, mà là di sản của một cộng đồng
Điều đặc biệt ở Stephanie Foo là cô không dừng lại ở việc kể câu chuyện cá nhân. Cô truy nguyên gốc rễ sang chấn từ hoàn cảnh gia đình, lịch sử chiến tranh, nghèo đói, và cả “giấc mơ Mỹ” – thứ vốn tưởng là khát vọng, nhưng đôi khi lại trở thành áp lực đè nén nhiều thế hệ di dân.
“Tôi là sản phẩm của cả một xứ sở… Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của một cộng đồng rối loạn chức năng, rất giỏi kìm nén trong khi lẩm bẩm ‘Hãy biết cười trong nước mắt’,” – một câu nói tiêu biểu cho góc nhìn xã hội học của cuốn sách.
Chữa lành không phải là không còn tổn thương
Trong hành trình hồi phục, Stephanie thử nghiệm nhiều phương pháp: liệu pháp tâm lý, thiền, yoga, và các liệu pháp thần kinh. Có lúc cô tưởng mình đã vượt qua, rồi lại gục ngã. Nhưng qua đó, cô học cách chấp nhận cảm xúc của mình – kể cả nỗi buồn hay sợ hãi – như một phần của sự sống.
Cuốn sách cũng phản bác định kiến phổ biến rằng chỉ khi không còn buồn đau thì mới gọi là chữa lành. Trên thực tế, chữa lành là khi ta có thể cảm nhận đúng cảm xúc vào đúng thời điểm, và không còn bị cảm xúc ấy điều khiển.
Không khô cứng như một cuốn sách chuyên ngành, cũng không nặng nề như một bản cáo trạng, “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào” mang đậm tính văn chương với nhiều đoạn văn đầy ám ảnh và cảm xúc. Stephanie Foo thành công trong việc đưa những khái niệm khoa học vào đời sống qua trải nghiệm của chính mình – khiến độc giả không chỉ hiểu mà còn cảm được.