Bệnh tâm thần không thể là 'giấy thông hành' cho hành vi vi phạm giao thông
Sau khi vi phạm giao thông với những hành vi đặc biệt nguy hiểm, không ít người lại trình cơ quan chức năng một giấy xác nhận bị bệnh tâm thần hòng thoát tội.
Buông cả hai tay, nằm dài trên yên khi đang lái xe
Những ngày đầu tháng 4, mạng xã hội lan truyền hai đoạn clip ghi lại cảnh người điều khiển xe máy buông cả hai tay, thậm chí nằm dài trên yên xe khi đang lưu thông ở TP Đà Nẵng và TP.HCM.

Nguy hiểm tiềm ẩn đối với các hành vi mất kiểm soát khi tham gia giao thông.
Các hành vi nguy hiểm này đều được thực hiện bởi người từng có tiền sử bệnh tâm thần. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về sự thiếu kiểm soát trong quản lý sức khỏe tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tại Đà Nẵng, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố xác minh đoạn clip lan truyền trên mạng, ghi lại cảnh một người đàn ông biểu diễn các tư thế nguy hiểm khi điều khiển mô tô.
Qua điều tra, Công an phường Hải Châu xác định người thực hiện là Lê Huy Kh (SN 1986, quê Thanh Hóa). Tại cơ quan công an, Kh. thừa nhận mượn xe biển số 37E1-499.88 và thực hiện hành vi như trong clip. Đáng chú ý, người này có tiền sử và nhiều lần được đưa đi chữa trị rối loạn tâm thần và hành vi.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại TP.HCM. Đội CSGT An Sương phát hiện một phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, buông hai tay khi chạy xe trên đường Trường Chinh. Qua xác minh, người điều khiển là N.T.K.N (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). N đã cung cấp giấy xác nhận bệnh tâm thần và thừa nhận hành vi vi phạm.
Luật sư Đỗ Việt Dũng (Công ty luật Dương Minh) cho biết, theo Thông tư 36/2024/TT-BYT, người mắc bệnh tâm thần đang ở giai đoạn cấp tính hoặc đang tiến triển không được phép điều khiển bất kỳ loại xe cơ giới nào. Ngay cả khi đã điều trị ổn định, người bệnh cũng phải chờ đủ thời gian quy định (6–24 tháng tùy hạng bằng lái) mới được xem xét đủ điều kiện cấp GPLX.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khám sức khỏe để cấp GPLX còn lỏng lẻo. Nhiều người bệnh vẫn dễ dàng có được giấy khám đủ điều kiện nhờ khám sơ sài, thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin qua điện thoại để nhận giấy. Không ít trung tâm sát hạch quảng cáo "bao đậu, bao trọn gói" khiến quy trình cấp GPLX trở thành hình thức.

Quản lý chặt người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện ( ảnh minh họa)
Người vi phạm có giấy chứng nhận tâm thần có được miễn xử lý?
Ông Lê Kim Thành - Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: Giấy chứng nhận tâm thần không phải "tấm khiên" miễn trách nhiệm pháp luật.
Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự, chỉ người mất hoàn toàn khả năng nhận thức tại thời điểm vi phạm mới được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp vẫn còn năng lực hành vi, người vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người không có năng lực trách nhiệm hành chính sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, người giao xe cho họ có thể bị phạt từ 8–10 triệu đồng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Thành, để kiểm soát hiệu quả người mắc bệnh tâm thần khi tham gia giao thông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, công an, giao thông và chính quyền địa phương.
Cụ thể, cơ sở y tế phải cập nhật danh sách người bệnh có triệu chứng không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, cung cấp thông tin phục vụ điều tra khi cần thiết. Chính quyền địa phương và gia đình cần tham gia giám sát, phát hiện sớm hành vi bất thường.
Đồng thời, cần siết chặt quy trình khám sức khỏe cấp GPLX, kiểm tra chặt hồ sơ khám sức khỏe, xử lý nghiêm các trường hợp làm giả giấy tờ hoặc bao thi GPLX. Việc tích hợp dữ liệu liên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về bệnh nhân tâm thần, cũng được các chuyên gia đề xuất như một bước đi cần thiết.
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hành vi của người tâm thần tiềm ẩn nguy cơ lớn do khó kiểm soát, mang tính bộc phát. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người mắc bệnh tâm thần và người nghiện ma túy. Đây là rào cản lớn trong việc phát hiện, ngăn chặn từ sớm.
"Sau khi xử lý vi phạm, cần có cơ chế bắt buộc đưa người bệnh đi giám định chuyên khoa, nếu cần thiết thì đưa vào cơ sở chữa trị bắt buộc", ông Tạo đề xuất.
Bệnh tâm thần là một tình trạng sức khỏe cần quan tâm, nhưng không thể trở thành "giấy thông hành" cho những hành vi vi phạm pháp luật. Việc quản lý người điều khiển phương tiện mắc bệnh tâm thần cần được siết chặt hơn từ khâu khám sức khỏe, cấp GPLX đến xử lý vi phạm.
Bảng tiêu chuẩn sức khỏe lái xe
Dưới đây là một số tiêu chí sức khỏe mà người lái xe cần đáp ứng:
Tâm thần: Không mắc rối loạn tâm thần cấp tính hoặc mãn tính ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi.
Thần kinh: Không bị động kinh hoặc các rối loạn vận động, cảm giác ảnh hưởng đến khả năng lái xe.
Mắt:
Thị lực nhìn xa hai mắt ≥ 5/10 (có thể điều chỉnh bằng kính).
Số kính không vượt quá +5 diop hoặc -8 diop.
Không rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.
Tai - Mũi - Họng: Thính lực tốt, có khả năng nghe nói ở khoảng cách nhất định mà không cần thiết bị hỗ trợ.
Tim mạch: Không mắc các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như suy tim độ III trở lên, cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành.
Hô hấp: Không có các bệnh gây khó thở mức độ II trở lên theo phân loại mMRC.
Cơ - Xương - Khớp: Không bị cứng hoặc hạn chế vận động các khớp ảnh hưởng đến thao tác lái xe.
Nội tiết: Không mắc bệnh đái tháo đường có biến chứng hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết mất kiểm soát.