Bệnh tay - chân - miệng cũng cần cách ly
(ĐN)- Trong những ngày gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh bắt đầu ghi nhận nhiều ca bệnh tay - chân - miệng đến khám và nhập viện chữa trị.
Bệnh tay - chân - miệng (TCM) xuất hiện quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào 2 thời điểm: từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khoa Nhiệt đới ghi nhận khoảng 20 ca nhập viện, đa phần là bệnh nhi ở mức độ trung bình.
Còn Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng bắt đầu ghi nhận nhiều ca khám ngoại trú. Theo bác sĩ Trần Đình Minh Trí, Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, trong đợt bệnh từ từ tháng 3 đến tháng 6, học sinh đi học và mùa nắng nóng nên dịch bệnh cũng thường cao hơn do tính chất lây lan của virus.
Bệnh tay - chân - miệng do một nhóm virus thuộc nhóm Enterovirus virus gây nên và lây lan qua giọt bắn, tiếp xúc. Nếu 1 bé bị bệnh khi nói chuyện với nhau bắn nước bọt sẽ lây bệnh cho trẻ khác; hoặc giọt bắn của bé rơi vào các đồ vật như đồ chơi, tay nắm cửa… khi các bé khác cầm vào cũng lây bệnh.
Bệnh tay - chân - miệng lây lan nhanh, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh cần được nghỉ học, ít nhất là 10 ngày. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải đưa con đi khám để xác định bệnh. Khi con mắc bệnh, phụ huynh cũng cần chủ động liên hệ với giáo viên để cách ly các bé có triệu chứng bệnh; khử khuẩn đồ chơi, bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ nắm cầm cửa… Bé mắc tay - chân - miệng cũng cần cách ly để bảo vệ chính bé và các bé khác cùng lớp học. Do bệnh tay - chân - miệng lây lan rất nhanh, chỉ cần 1 bé mắc bệnh có thể lây cho hàng chục bé khác trong cùng lớp học.
Bệnh tay - chân - miệng được chia làm 4 độ, từ độ 1 đến độ 4. Trong đó, bé mắc bệnh độ 1 với các biểu hiện loét miệng, phát ban ở tay chân có thể điều trị ngoại trú nhưng phải đi khám hàng ngày. Còn trẻ bị bệnh tay - chân - miệng từ độ 2 trở lên phải nhập viện chữa trị. “Chỉ cần thấy trẻ có cơn giật mình, các bậc phụ huynh bắt buộc phải đưa trẻ nhập viện để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng” – bác sĩ Trí nhấn mạnh.
Theo BS. Trí, bệnh tay - chân - miệng hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị nên việc phòng bệnh vẫn được xem là quan trọng nhất. Dấu hiệu thường thấy nhất khi trẻ mới mắc tay - chân - miệng là trẻ bị chảy nước bọt, quấy khóc không chịu ăn. Các bậc phụ huynh cũng khó có thể soi miệng để thấy vét loét nên cần đưa trẻ đi khám ngay. Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận chữa trị nhiều bé nhập viện do bệnh tay - chân - miệng ở độ 3. Trẻ bị tổn thương viêm thân não: giật mình nhiều, run chi, hoạt động không còn vững nữa. Việc chữa trị bệnh nhi nặng là đảm bảo dấu hiệu sinh tồn cho bé như: hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn… do không có thuốc đặc trị.
Thời gian mắc bệnh tay - chân - miệng từ ủ bệnh, phát bệnh đến nuôi bệnh từ 7-10 ngày nhưng còn phụ thuộc vào từng cơ địa của trẻ. Có trẻ chỉ cần khám bệnh và chữa trị, chăm sóc tại nhà là khỏi nhưng cũng rất nhiều bé rơi vào tình trạng bệnh nặng trong thời gian rất ngắn khiến việc điều trị kéo dài, khó khăn và tốn kém.
Trẻ có thể bị tái đi tái lại bệnh nhiều lần nên khi chăm sóc trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần xay đồ ăn nhuyễn và để nguội cho trẻ ăn.