Bệnh tay chân miệng đến sớm và tăng đột biến tại An Giang

Bệnh tay chân miệng năm nay, diễn ra sớm hơn mọi năm, số bệnh nhân có xu hướng tăng cao, với nhiều ca chuyển nặng. Cũng như một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang, số ca mắc tay chân miệng tăng cao, bình quân mỗi tuần có hơn 100 ca mắc.

Tại Bệnh viện Sản-Nhi An Giang, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh tay chân miệng. Nhất là trong tháng 6 vừa qua, tiếp nhận số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng đột biến, với gần 260 ca, tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái; bệnh tăng nhanh, số lượng nhiều, số ca diễn biến nặng cũng tăng hơn so với những tháng trước; trong đó có một số ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên, mặc dù Bệnh viện này đã chủ động dự trữ nguồn thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Với tình hình diễn biến bệnh phức tạp như hiện nay, Bệnh viện đã phải dự phòng thêm một khu điều trị với 60 giường bệnh, phòng khi số ca bệnh tăng cao đột ngột.

Hiện An Giang, bình quân mỗi tuần vẫn có hơn 100 ca mắc.

Hiện An Giang, bình quân mỗi tuần vẫn có hơn 100 ca mắc.

Bác sĩ Trang Thanh Minh Châu, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản-Nhi An Giang cho biết, trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp như hiện nay, để tránh tình trạng các trẻ em bị mắc bệnh, có chuyển biến nặng mới phát hiện và đưa tới bệnh viện; các bậc cha mẹ cần lưu ý trong mùa dịch này, thường xuyên theo dõi con mình: nếu bé có triệu chứng sốt, giật mình, bàn chân bàn tay có vết loét…cần đưa các cháu đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ thăm, khám và có hướng điều trị kịp thời. Đồng thời các gia đình có trẻ nhỏ phải thường xuyên vệ sinh cho các em.

“Năm nay, đặc biệt là bệnh tay chân miệng do chuẩn EV71 diễn biến rất phức tạp, rất nặng. Bệnh có rất nhiều ca diễn biến nặng, tăng lưu lượng bệnh. Tình hình chung, thiếu thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng, trước mắt bệnh viện linh hoạt, dự trù một số lượng thuốc đặc trị để điều trị cho những ca rất nặng. Đối với những trường hợp dự đoán sẽ chuyển biến nặng, phải dùng thuốc đặc trị sẽ linh hoạt chuyển viện nhanh”, bác sĩ Trang Thanh Minh Châu cho biết.

Dự báo trên địa bàn tỉnh An Giang số ca mắc tay chân miệng sẽ tăng cao vào tháng 8 và 9.

Dự báo trên địa bàn tỉnh An Giang số ca mắc tay chân miệng sẽ tăng cao vào tháng 8 và 9.

Theo Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng. Trong đó các địa phương có ca mắc cao là: huyện Chợ Mới, với hơn 300 ca; thành phố Long Xuyên, với gần 200 ca; huyện Thoại Sơn gần 170 ca…Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng đột biến. Mặc dù bước sang tháng 7, số ca mắc có giảm nhưng không đáng kể; bình quân mỗi tuần vẫn có hơn 100 ca mắc.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, nhất là thời điểm tháng 8 và đầu tháng tháng 9 tới, đây lại là thời điểm trẻ em bắt đầu tựu trường.

Để thực hiện tốt công tác cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng; phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong… Sở Y tế tỉnh An Giang, đã yêu cầu các đơn vị y tế chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các cơ sở điều trị, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế…kịp thời thu dung, điều trị các ca bệnh tay chân miệng; tăng cương tập huấn cho các nhân viên y tế về hướng dẫn và chuẩn đoán bệnh, theo dõi trẻ bị bệnh tay chân miệng đang phải nằm điều trị nội trú; đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, phát hiện, điều trị kịp thời những ca bệnh có diễn biến nặng lên.

TS.BS Trần Quang Hiền cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân biết về dấu hiệu bệnh tay chân miệng, đưa trẻ em đến các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường việc tập huấn cho các tuyên về việc điều trị bệnh tay chân miệng, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đặc biệt là thuốc đặc trị, trong đó có thuốc Gamma Globulin, để điều trị các ca tay chân miệng nặng, có nguy cơ tử vong cao. Chuẩn bị đủ thuốc để đảm bảo khi dịch có khả năng tăng cao, đặc biệt là tháng 8, tháng 9 này; phối hợp với ngành giáo dục để tuyên truyền cho các em học sinh. Khi có các ổ dịch, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế các tuyến huyện, CDC của tỉnh tiến hành khoanh vùng, xử lý sớm không để ổ dịch lây lan”.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/benh-tay-chan-mieng-den-som-va-tang-dot-bien-tai-an-giang-post1032365.vov