Bệnh Tay chân miệng gia tăng: Bộ Y tế có công văn khẩn
Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng đang tăng tại một số tỉnh, thành, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường công tác điều trị bệnh.
5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM); trong đó có 3 ca tử vong tại: Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 28% nhưng số ca tử vong tăng 2 trường hợp. Trong đó, miền Nam ghi nhận số ca mắc cao nhất (6.204 ca); tiếp đó là miền Bắc (2.007 ca); miền Trung Tây Nguyên (656 ca); Tây Nguyên (130 ca).
Những ngày qua, số ca mắc TCM tại TPHCM liên tục tăng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) báo cáo số ca mắc bệnh TCM từ ngày 29/5 đến 4/6 tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước. Trung bình, mỗi ngày các bệnh viện nhi tại thành phố điều trị 20-25 ca TCM nội trú (mỗi viện), trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Trong khi các tháng trước đó, chỉ trung bình 5-6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.
Đặc biệt, có 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh TCM có triệu chứng nặng được phát hiện virus Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gene B5. EV71 chính là tác nhân gây dịch lớn năm 2011 và 2018. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của EV71, tình hình dịch bệnh TCM được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới.
Còn tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, số trẻ em mắc TCM cũng tăng cao trong những ngày qua. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, số ca mắc TCM tại Cần Thơ ghi nhận 191 trường hợp mắc, tăng 113 trường hợp so cùng kỳ năm 2022. Riêng chỉ trong tháng 4, 5 lượt bệnh khám ngoại trú và nhập viện đều tăng, có 1 trường hợp tử vong.
Còn tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 200 ca mắc bệnh TCM, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tất cả các huyện, thành phố đều có ca mắc.
Trước tình trạng các ca mắc TCM gia tăng tại một số tỉnh, thành để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh TCM, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh TCM trên địa bàn; kiểm tra đánh giá về nhân lực cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, thuốc hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM.
Các đơn vị tăng cường theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, để phát hiện điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Các Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện; phân tuyến điều trị; tổ chức sàng lọc phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh TCM và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức ở tuyến tỉnh.
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh TCM; công tác truyền thông; bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An. So với cùng kỳ 2022 (12.649/1) số ca mắc giảm 28%, tử vong tăng 2 trường hợp. Trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204/2), miền Bắc (2.007/0), miền Trung (656/0), Tây Nguyên (130/1).