Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến suy thận như thế nào?

Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tổn thương thận, khiến chức năng thận suy giảm, dẫn đến suy thận, phải chạy thận hoặc ghép thận. Cứ 3 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường có 1 người bị tổn thương thận.

Một trong những biến chứng của tiểu đường là ảnh hưởng tới thận, gây tổn thương thận trong đó có suy thận. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên người mắc bệnh tiểu đường cần xét nghiệm ít nhất mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh, đặc biệt là biến chứng lên thận.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh tiểu đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.

Thận có nhiều chức năng quan trọng

Thận có nhiều chức năng quan trọng

Tiểu đường gây ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021 và là căn bệnh gây tử vong thứ 3, chỉ sau tim mạch và bệnh ung thư. Tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh tiểu đường (năm 2019).

Biến chứng lên thận có thể xuất hiện ngay tại thời điểm người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hoặc có thể sau cả chục năm mắc bệnh.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Thận có nhiều chức năng, trong đó chức năng chính của thận là lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể và biến chúng thành nước tiểu. Thận còn có chức năng bài tiết nước tiểu. Để làm được điều này, trong thận có rất nhiều mạch máu nhỏ, giúp lọc chất thải trong khi vẫn giữ lại các phân tử hữu ích khác.

Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát, thận phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu dần, các "bộ lọc" bị hỏng và protein thoát vào nước tiểu gây protein niệu.

Theo các chuyên gia nội tiết, ở người đái tháo đường, đường huyết tăng cao kéo dài làm các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương khiến cơ quan này phải hoạt động quá mức. Sau một thời gian, các lỗ lọc trở nên to hơn làm protein bị lọt ra ngoài và ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nếu không được điều trị kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng (suy thận) khiến người bệnh buộc phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Suy thận giai đoạn cuối còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Tiến sĩ Anjay Rastogi, Trưởng khoa thận tại Trường Y khoa David Geffen tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ cho biết: "Tại Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận và suy thận."

Diễn biến ảnh hưởng chức năng thận trên bệnh nhân tiểu đường

Bệnh thận có thể diễn biến khác nhau tùy thuộc vào mắc bệnh tiểu đường loại 1 hay loại 2.

TS Rastogi cho biết: "Khi bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, bạn sẽ biết mình mắc bệnh sớm hơn so với tiểu đường tuýp 2. Nhiều người mắc tiểu đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà vẫn không biết mình mắc bệnh".

"Đó là lý do tại sao những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên bắt đầu kiểm tra chức năng thận ngay khi được chẩn đoán. Các bác sĩ khuyên những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cần đi kiểm tra thận khoảng 5 năm sau lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường", TS Rastogi nói.

Bệnh thận có thể diễn biến khác nhau tùy thuộc vào việc bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2.

Bệnh thận có thể diễn biến khác nhau tùy thuộc vào việc bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương thận ở bệnh nhân tiểu đường:

TS. Pankaj Shah, bác sĩ nội tiết tại Mayo Clinic cho biết: "Không phải ai mắc bệnh tiểu đường cũng sẽ bị tổn thương thận. Một số người bị tổn thương thận sớm hơn những người khác nhưng có những yếu tố rủi ro nhất định với người bệnh tiểu đường, nếu có những dấu hiệu sau:

Có thói quen hút thuốc lá.
Béo phì.
Đường huyết không kiểm soát.
Bị cholesterol cao.
Tăng huyết áp.

Một số yếu tố nguy cơ khó kiểm soát ảnh hưởng tới chức năng thận trên bệnh nhân tiểu đường, chẳng hạn như:

Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận.
Là người cao tuổi (đặc biệt trên 60 tuổi).

Các triệu chứng của suy thận trên người bệnh tiểu đường

"Bệnh thận nói chung rất âm thầm. Có trường hợp không gây ra các triệu chứng cho đến khi người bệnh ở vào giai đoạn cuối. Đó là lý do tại sao bệnh nhân nên được khám kiểm tra định kỳ chức năng thận". TS. Rastogi nói:

Khi đi khám bệnh, các bác sĩ tìm thấy dấu hiệu của bệnh suy thận do bệnh tiểu đường. Thông thường, lượng albumin cao hơn, protein xuất hiện trong nước tiểu. Nếu để lâu dần. tổn thương thận sẽ ngày càng nặng hơn, nhiều protein niệu lọt ra nước tiểu, chức năng thận suy giảm. Khi suy thận giai đoạn cuối, nồng độ các chất thải độc hại trong cơ thể như ure, creatinin tăng lên rất cao, đe dọa tính mạng người bệnh, đòi hỏi phải được điều trị bằng lọc máu để đẩy bớt chất độc ra ngoài.

Suy thận giai đoạn cuối, bạn có thể thấy một số triệu chứng bao gồm:

Buồn nôn.
Nôn.
Ăn không ngon.
Cảm thấy yếu mệt.
Mệt mỏi.
Ngứa.
Chuột rút.

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường cộng thêm những triệu chứng trên đây. hãy đến gặp bác sĩ.

Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị suy thận nếu không kiểm soát tốt đường huyết.

Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị suy thận nếu không kiểm soát tốt đường huyết.

TS. Rastogi cho biết, người bệnh tiểu đường bên cạnh biến chứng vào thận họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch cao hơn.

Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân suy thận do tiểu đường

Rastogi nói: "Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh". Khi có một lượng nhỏ protein trong nước tiểu (microalbumin niệu), các bác sĩ có một số phương pháp điều trị có thể giúp giữ cho thận của bạn không trở nên tệ hơn.

Nhưng nếu khi bạn có lượng protein niệu cao hơn trong nước tiểu (macroalbumin niệu), thì bạn có nhiều khả năng bị suy thận. Trong trường hợp đó, bạn có ít lựa chọn hơn.

"Có những biện pháp mà chúng ta có thể thực hiện để kéo dài tuổi thọ như lọc máu. Tuy nhiên chạy thận không phải là lựa chọn duy nhất, ghép thận cũng là một lựa chọn"

Làm thế nào để giữ cho thận khỏe mạnh với bệnh tiểu đường?

Nếu bạn bị tiểu đường, có những điều bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe thận của mình:

-Kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol.

-Kiểm soát chế độ ăn uống. Một chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật và hạn chế lượng protein là rất quan trọng. Người bệnh tiểu đường cần lựa chọn thực phẩm một cách khôn ngoan để đảm bảo bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt theo dõi lượng muối ăn của bạn.

-Bỏ thuốc lá bởi hút thuốc không tốt cho sức khỏe, nhất là với người bệnh tiểu đường.

-Tập thể dục thường xuyên, giảm stress là cách làm cho cuộc sống của bạn thư giãn.

- Người bệnh tiểu đường nên tuân thủ chỉ định khám và dùng thuốc của bác sĩ nhằm giảm thiểu những biến chứng của bệnh, nhất là biến chứng lên thận.

Trần Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-tieu-duong-co-the-dan-den-suy-than-nhu-the-nao-16923013116023917.htm