Bệnh tim mạch ở người trẻ: Đừng chủ quan!

Theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Và, bệnh nhân mới mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa.

Vận động thể lực thường xuyên là cách loại bỏ một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Trong ảnh: Thanh thiếu niên bơi vào mỗi buổi sáng tại hồ bơi Thanh thiếu nhi (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Vận động thể lực thường xuyên là cách loại bỏ một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Trong ảnh: Thanh thiếu niên bơi vào mỗi buổi sáng tại hồ bơi Thanh thiếu nhi (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, với kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cứu một bệnh nhân sinh năm 1992 bị nhồi máu cơ tim cấp. Trưa hôm đó, bệnh nhân P.N.T nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim thành dưới ST chênh lên, biến chứng choáng tim.

Sau khi hội chẩn và giải thích rõ với gia đình người bệnh, ê kíp thuộc Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, khẩn trương can thiệp cấp cứu. Kết quả chụp động mạch vành bằng thiết bị chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) cho thấy động mạch vành phải của bệnh nhân bị tắc hoàn toàn ở đoạn xa do huyết khối. Ê kíp can thiệp đã dùng bóng nong và đặt stent, tái thông động mạch vành phải, cứu sống bệnh nhân.

Nguyên nhân hàng đầu gây t vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân, trong đó có tới 85% trường hợp tử vong do bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ não. Tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (chiếm tới 75%).

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Và theo Viện Tim mạch Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm, đã chiếm đến 25%.

Như vậy, cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Căn bệnh này làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên gấp 3 lần!

Điều đáng lo ngại nữa là bệnh nhân tim mạch ngày càng trẻ hóa.

Theo BSCKII Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, trước kia, bệnh nhân nhồi máu cơ tim - một bệnh lý tim mạch phổ biến - thường trên 50 tuổi; bệnh nhân trong độ tuổi 40 cũng có nhưng ít gặp. Càng về sau, bác sĩ tim mạch không chỉ gặp bệnh nhân trong độ tuổi 30 mà thậm chí họ còn trẻ hơn, có những người chưa đến 30 tuổi.

“Điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tỉ lệ người béo phì ngày càng tăng; thói quen ít vận động; ăn uống không lành mạnh; hút thuốc lá... Đó là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh nhân tim mạch ngày càng trẻ hóa”, bác sĩ Hoàng nói.

Trong khi đó, không ít người trẻ có tâm lý chủ quan, không đi khám bệnh, tầm soát khi cơ thể có những triệu chứng bất thường. Nếu có đi khám thì một số người cũng không thực hiện theo tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ, không bỏ thuốc lá.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, lưu ý rằng bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Và, bệnh nhân mới mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Số lượng người mắc và tử vong tăng; gánh nặng bệnh tật và chi phí cũng gia tăng.

Phòng nga và nhn din sm

Các yếu tố nguy cơ tim mạch được chia thành 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được (tuổi tác, giới và tình trạng mãn kinh, tiền sử gia đình, chủng tộc) và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được (stress, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động, sử dụng rượu - bia, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường).

Trong đó, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành xấp xỉ 50% với tỉ lệ tử vong cao hơn 60%. Ở nhóm người nghiện thuốc lá, tỉ lệ tử vong lên đến 85%. Mặt khác, hút thuốc lá thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành lên khoảng 25%.

Theo WHO, hầu hết các biến cố tim mạch đều có thể ngăn ngừa được thông qua các hoạt động phòng ngừa. Chúng ta chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực, do một hoặc nhiều động mạch vành cung cấp máu nuôi cơ tim bị hẹp, cơ tim không nhận được đủ máu nuôi. “Bệnh nhân cảm thấy đau thắt ở ngực trái hoặc giữa ngực, cơn đau kéo dài trong vài phút, có thể lan đến cổ, vai, lưng, cánh tay trái... rồi hết. Người bệnh chủ quan thì sẽ bỏ qua dấu hiệu đó”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Nếu cơn đau tắt ngực kéo dài hơn 15 phút, mức độ nặng dần thì rất có thể đây là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Hoàng, không phải trường hợp nào mắc bệnh mạch vành - nhồi máu cơ tim đều có cơn đau thắt ngực điển hình. Trong nhiều trường hợp, người bệnh cảm thấy nặng ngực, khó thở, mệt, chóng mặt, buồn nôn... Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Đối với các trường hợp đã chuyển sang hội chứng động mạch vành cấp, thời gian chính là tính mạng.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/314845/benh-tim-mach-o-nguoi-tre--dung-chu-quan.html