Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và cách phòng bệnh

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò; vi rút này không gây bệnh trên người; bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng chích, đốt gồm ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020, đến ngày 25-5-2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh, đã có 9.539 con gia súc chết.

Người nuôi cần chăm sóc tốt đàn trâu, bò; đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng. Ảnh minh họa: QUANG BÌNH

Hiện nay, dịch bệnh xảy ra nặng nhất tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tính đến thượng tuần tháng 5-2021, tỉnh Sóc Trăng chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng với những lý do sau: thời tiết mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các véc tơ truyền bệnh phát triển (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh); do tập tính chăn nuôi trâu, bò thả lan còn phổ biến; nhu cầu vận chuyển trâu, bò từ tỉnh này sang tỉnh khác để giết mổ, làm giống tăng mạnh; biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch lớn, làm giảm sức đề kháng của trâu, bò.

Đồng chí Đào Văn Bảy cho biết thêm, để chủ động tốt trong công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, người chăn nuôi cần lưu ý một số điểm như sau: khi nhập con giống trâu, bò về nuôi, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Chuồng trại chăn nuôi phải sạch sẽ, có lưới muỗi che xung quanh chuồng để tránh ruồi, muỗi chích, đốt trâu, bò. Định kỳ tẩy giun sán cho đàn trâu, bò. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn trâu, bò, như: vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, vắc xin lở mồm long móng trâu, bò, đặc biệt là vắc xin viêm da nổi cục trâu bò theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống). Có biện pháp để tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh, như: ruồi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác tại khu vực chuồng nuôi.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn trâu, bò; đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng. Đồng thời có kế hoạch giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò trong quá trình chăn nuôi. Khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh cần báo cáo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-va-cach-phong-benh-49149.html