Bệnh viện Chợ Rẫy và những ngày trọn vẹn với người dân TP.HCM
Hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch của TP.HCM đã được cứu sống tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy trong đợt dịch thứ 4. Đến nay, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 2 bệnh viện vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình.
Tháng 7/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM quyết định đưa vào sử dụng khu điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là cơ sở cho Trung tâm Hồi sức Covid quy mô 1.000 giường.
Thời điểm đó, TP.HCM chỉ có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối điều trị Covid-19.
Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, được chỉ định điều hành Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ngay lập tức, ông có văn bản hỏa tốc gửi Thành ủy, UBND TP.HCM và Sở Y tế về việc khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.
Ngày 15/7, 59 y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương lắp đặt máy móc trang thiết bị để thiết lập 30 giường ICU, kịp đón bệnh nhân nặng ngay trong buổi chiều, tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Trang thiết bị được điều động khẩn trương, nhân sự được tăng cường liên tục. Thiết lập xong khoa nào bệnh nhân lại đầy kín sau 1-2 ngày.
Từ khi thành lập đến cuối tháng 10/2021, Bệnh viện Hồi sức Covi-19 có 3.100 nhân sự. Trong đó, gồm 616 bác sĩ, 1.511 điều dưỡng, 176 kỹ thuật viên, 797 nhân viên khác. Dự kiến ban đầu bệnh viện có quy mô 1.000 giường, tuy nhiên thực tế có công suất 800 giường với 15 khoa điều trị.
Tính đến 6h sáng ngày 23/11/2021, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã tiếp nhận 4.282 bệnh nhân, xuất viện 2.791 bệnh nhân. Trong đó: 1.972 bệnh nhân ra viện và 819 bệnh nhân chuyển viện xuống tầng thấp hơn.
Số bệnh nhân nặng chiếm gần 60% tổng bệnh nhân điều trị và có 19 ca chạy ECMO.
D.N.G.L là bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên cơ địa béo phì. Tháng 9 vừa qua, em được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid -19 trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương gan thận, tràn khí màng phổi.
Ê kip điều trị đã quyết định tiến hành can thiệp ECMO cho bệnh nhân. "Chúng tôi phải sử dụng đến 6 cái màng lọc, 2 màng ECMO và chạy liên tục kéo dài hơn 3 tuần thì bé mới có tín hiệu khá hơn", bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết.
Sau 2 tháng hoạt động, lượng bệnh nhân xuất viện mỗi ngày ngày càng tăng hơn. Cụ thể, 34 bệnh nhân đã được xuất viện trong ngày 15/9 và 31 bệnh nhân được trở về nhà trong ngày 16/9. Đây là một trong những tín hiệu rất khả quan trong cuộc chiến chống dịch, bởi những bệnh nhân này từng được tiên lượng nặng, nguy kịch do Covid-19.
Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy là "hậu phương" chuẩn bị từng bộ đồ mới cho bệnh nhân xuất viện.Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Phòng Công tác Xã hội cùng các mạnh thường quân đã tổ chức hàng trăm chuyến xe đưa người bệnh về gia đình (giai đoạn này taxi và xe công nghệ không hoạt động).
Cũng trong thời gian trên, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân phân bổ tại khu cách ly khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức cấp cứu khu D (cho những bệnh nhân nguy kịch cần hỗ trợ ECMO) và nhiều nhất là tại 3 tầng cách ly ở khu E do khoa Bệnh nhiệt đới quản lý.
Các bệnh nhân ở mức độ từ trung bình nặng đến nặng và nguy kịch, bệnh cảnh phức tạp.
Tính đến 6h ngày 23/11/2021 Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 3.904 bệnh nhân, xuất viện 2.366 bệnh nhân. Trong đó có 1.213 bệnh nhân ra viện và 819 bệnh nhân chuyển viện tầng thấp hơn. Số bệnh nhân nặng chiếm khoảng 80% tổng bệnh nhân điều trị.
Theo BS CKII. Phạm Thanh Việt, tính đến tháng 11/2021, đã có gần 4.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Với 80% là bệnh nặng và nguy kịch, bệnh viện ghi nhận 1.450 trường hợp tử vong dù được nỗ lực cứu chữa.
Trong khi đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tiếp nhận 4.282 bệnh nhân, xuất viện 2.791 bệnh nhân. Đây là sự nỗ lực của hơn 3.000 nhân sự đến từ 29 đoàn các bệnh viện của TP.HCM và các đoàn do Bộ Y tế điều động, mà Bệnh viện Chợ Rẫy là chủ lực chuyên môn.
Hiện tại, cả 2 bệnh viện đều tiếp tục duy trì nhiệm vụ ở tầng cao nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại TP.HCM, trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, dịch phức tạp ở các tỉnh miền Tây và nguy cơ xâm nhập của biến thể Omicron.
Tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đóng vai trò then chốt trong việc cứu những bệnh nhân trở nặng thoát khỏi tử vong.
Bệnh viện Chợ Rẫy là Bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế đóng tại TP.HCM. Đây là cơ sở điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng nhất của khu vực phía Nam trong 2 năm qua. Từ tháng 8/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận nhiệm vụ thiết lập và phụ trách chuyên môn chính cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường.
Đây là Trung tâm hồi sức đầu tiên và lớn nhất của TP.HCM và Nam Bộ với sự tham gia của nhiều bệnh viện mà chủ lực là Bệnh viện Chợ Rẫy. Có hơn 1.700 bệnh nhân lúc cao điểm. Tại đây nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống một cách ngoạn mục.
Tính đến tháng 10/2021, có 3.700 bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện hồi sức Covid-19, 2.100 bệnh nhân xuất viện, trong đó có 962 bệnh nhân nặng.
Bệnh viện cũng là đơn vị đưa ECMO về Việt Nam, là kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới hiện nay để cứu bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.
Trước và sau khi đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM bùng phát, Bệnh viện Chợ Rẫy cử hàng chục đoàn chi viện đến các tỉnh thành vùng dịch. Đó đều là các y bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực hồi sức - chìa khóa cứu bệnh nhân Covid-19 nặng thoát tử vong. Với sự hỗ trợ này, công tác điều trị của các địa phương vùng dịch đã được nâng cấp, giảm thiệt hại tử vong vì Covid-19.
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong 14 cá nhân, tập thể báo VietNamNet đề cử vào danh sách "Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021". Bình chọn cho Bệnh viện Chợ Rẫy TẠI ĐÂY.
Nội dung
Linh Giao