Bệnh viện công được tự chủ hơn trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung các quy định để tăng cường tính tự chủ của các cơ sở y tế công lập trong việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Ngày 17-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố tám dự án luật vừa được Quốc hội (QH) thông qua tại kỳ họp thứ năm.

Tám luật vừa được QH thông qua gồm: Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Phòng thủ dân sự.

Cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu

Giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết luật dành một chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: HOÀNG HẢI

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: HOÀNG HẢI

Theo đó, luật đã bổ sung các quy định để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Cụ thể, luật giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của BHYT, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.

Đồng thời, cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Ông Trần Quốc Phương cũng đề cập việc luật tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế. Theo đó, luật cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Luật cũng nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho rằng thủ tục, thời hạn visa, thẻ tạm trú tác động không nhỏ tới việc thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến Việt Nam. Theo ông Nguyên, Bộ Công an đã chủ động báo cáo Chính phủ, trình QH thông qua một luật sửa hai luật liên quan đến xuất nhập cảnh, trong đó có nhiều chính sách quan trọng. “Việc một luật sửa hai luật lần này sẽ có tác động rất tích cực trong việc chúng ta phục hồi và phát triển kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng của dịch” - ông Nguyên nói.

Luật cho phép áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt.

Luật vừa ban hành cũng giải quyết vướng mắc trong hoạt động đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua. Cụ thể, luật bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (mô hình máy đặt, máy mượn).

“Các quy định của luật đã tháo gỡ được tất cả vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y tế chưa?” - PV đặt câu hỏi sau đó.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định khi soạn thảo luật, các vướng mắc của ngành y tế đã được rà soát kỹ lưỡng. “Những gì sửa được trong luật thì quy định sửa trong luật. Với những vướng mắc ở các văn bản thấp hơn luật, chắc chắn cơ quan chủ trì sẽ phải sớm ban hành để giải quyết” - ông Phương nói.

Cho biết các cơ quan đang soạn thảo văn bản hướng dẫn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ bản thân ông rất mong chờ luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 tới để giải quyết các vướng mắc cho ngành y.

Máy mượn, máy đặt là hết sức đặc thù

Tại buổi họp báo, PV cũng hỏi việc quy định trong luật giải quyết các vướng mắc của mô hình máy đặt, máy mượn trong bệnh viện (BV) công như thế nào.

Đáp lại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng máy mượn, máy đặt trong BV công là “hết sức đặc thù”. Cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa thành quy định của pháp luật.

Theo ông, việc quy định về mô hình máy đặt, máy mượn phải đảm bảo hai mục tiêu. Thứ nhất, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp máy đặt, máy mượn. Thứ hai, người bệnh được sử dụng với chi phí hợp lý nhất.

“Phải làm sao mô hình máy mượn, máy đặt trong BV không bị lợi dụng, lách luật, tiêu cực. Muốn vậy, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải minh bạch để lựa chọn máy, sinh phẩm tốt nhất, giá cả hợp lý nhất” - ông Phương nói.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định hợp đồng máy mượn, máy đặt được thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá năm năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2024).

Theo đó, các BV có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế bằng cách lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm đó theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thêm sáu vị trí cấp tướng trong lực lượng công an

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: HOÀNG HẢI

Giới thiệu về những điểm mới đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ ba năm công tác, trường hợp không còn đủ ba năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

Luật cũng bổ sung quy định cụ thể sáu vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân, gồm một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng, năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.

Theo đó, sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH có hàm cao nhất là thượng tướng.

Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, gồm: Hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, hiệu trưởng Trường ĐH An ninh nhân dân, một trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an và hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Luật cũng quy định tăng hai tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng năm tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng ba tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, cấp tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá, đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.

Cùng với đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của lực lượng công an: Nam 62, nữ 60 và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Chính phủ sẽ quy định chi tiết hai nội dung nói trên.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết qua rà soát trong lực lượng, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của lực lượng công an, để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, có cống hiến, trải nghiệm nhiều trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-cong-duoc-tu-chu-hon-trong-mua-sam-thuoc-thiet-bi-y-te-post742752.html