'Bệnh viện' của muông thú

Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là bệnh viện của muông thú. Nơi đây đang tiếp nhận, cứu hộ và bảo tồn hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm

Dưới tán rừng râm mát thuộc 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, một ngày đầu tháng 11-2023, nhân viên Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật (gọi tắt là Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn) đã thả 19 động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên. Chúng là nạn nhân một vụ săn bắt, buôn bán trái phép và do người dân tự nguyện giao nộp. Trong đó, nhiều loại là động vật quý hiếm, nguy cấp như: Rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa sa nhân, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn...

Không chịu nổi ánh mắt cầu cứu, tuyệt vọng...

Hơn 20 năm qua, Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã cứu hộ hàng ngàn cá thể động vật hoang dã. Nhờ đó, nhiều động vật quý hiếm đã được thả về môi trường tự nhiên, sinh sôi phát triển, góp phần vào sự đa dang sinh học cho di sản thiên nhiên thế giới này.

Ông Phạm Kim Vương, phụ trách Phòng Cứu hộ động vật của Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn, cho biết trong quá trình cứu hộ, chăm sóc, trung tâm đã tiến hành đánh giá kết luận các cá thể động vật có sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch mới thả về môi trường sống tự nhiên của chúng. Tháng 8 vừa rồi, trung tâm cũng thả 2 con chim Hồng Hoàng - một loài chim quý hiếm, sau 8 tháng tiếp nhận cứu hộ, huấn luyện bay và chăm sóc đặc biệt.

"Tôi tham gia công tác cứu hộ động vật đã nhiều năm. Có con vật là nạn nhân của vụ án săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép; có con được người dân tự nguyện giao nộp. Bắt gặp ánh mắt cầu cứu và tuyệt vọng của các con vật, tôi không chịu nổi. Mỗi lần tham gia thả động vật hoang dã về tự nhiên, thấy chúng khỏe mạnh và linh hoạt, tôi rất vui, cảm thấy những gì mình và đồng nghiệp đã bỏ ra thật xứng đáng" - ông Vương bày tỏ.

Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là "bệnh viện" của muông thú. Nơi đây đang tiếp nhận, cứu hộ và bảo tồn hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm. Nhân viên trung tâm như là "bảo mẫu" của chúng. Hằng ngày, họ phải thức khuya, dậy sớm để chăm sóc các con vật như chăm chính con cái mình.

Chị Trần Thị Lê - nhân viên đã có hơn 10 năm tham gia cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã ở trung tâm - cũng không nhớ mình đã chăm sóc bao nhiêu con vật trước khi chúng được thả về môi trường tự nhiên ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thả chim quý hiếm về môi trường tự nhiên

Thả chim quý hiếm về môi trường tự nhiên

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn chăm sóc một loại thú hoang dã

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn chăm sóc một loại thú hoang dã

Gian nan cứu hộ, bảo tồn

Công việc của chị Lê và các cộng sự là thường xuyên túc trực, kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật, cho chúng ăn, làm vệ sinh chuồng trại... Thường thì công việc bắt đầu lúc 7 giờ và kết thúc lúc 17 giờ nhưng nhiều hôm họ phải thức trắng đêm để chăm sóc động vật bị bệnh.

Với chị Lê, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc chăm 2 mẹ con khỉ mốc vào năm 2015. Khỉ mốc mẹ bị thợ săn bẫy bị thương lúc đang mang thai, được kiểm lâm giao cho Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn chăm sóc. Một ngày mưa gió, khi đang chuẩn bị về nhà thì chị Lê nghe âm thanh lạ ở chuồng khỉ mẹ. Chị cuống quýt chạy đến khi thấy khỉ mẹ bấu vào thanh sắt kêu gào đau đớn. Bằng linh tính của phụ nữ, chị biết khỉ mẹ sắp sinh nên chuẩn bị "đỡ đẻ" cho ca hiếm gặp này.

"Thấy khỉ mẹ đang bị thương, khỉ con mới sinh ốm yếu, tôi và một số chị em quyết định ở lại đêm chăm sóc cho hai mẹ con chúng. Nếu không chăm sóc kỹ, cả hai có thể sẽ chết. Những ngày sau đó, khỉ mẹ xuống sức vì bị thương, còn khỉ con khát sữa. Bí bách quá, một chị trong nhóm "bảo mẫu", cũng đang nuôi con nhỏ, phải nặn sữa của mình cho khỉ con uống" - chị Lê nhớ lại.

Động vật được Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn tiếp nhận cũng mất từ 1 tháng cho đến cả năm chăm sóc để phục hồi sức khỏe, phục hồi tập tính hoang dã của chúng trước khi thả về rừng.

Bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn, là người có 20 năm gắn bó với công việc cứu hộ động vật hoang dã. Theo bác sĩ Ngọc Anh, phần lớn cá thể động vật khi tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, không được chăm sóc, vệ sinh, bị tổn thương cơ thể, suy kiệt tinh thần, có nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, người chăm sóc phải hiểu được tập tính của mỗi loài, đầu tư nhiều công sức và phải thực sự tâm huyết mới cứu hộ, chăm sóc được.

Động vật hoang dã được Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn cứu sống nhiều nhất là các loài linh trưởng, như: Khỉ mốc, voọc gáy trắng, cu li… Phần lớn chúng do con người bẫy bắt, nuôi nhốt, cho ăn không đúng nên mắc nhiều bệnh. Để cứu hộ các loài này, cán bộ, nhân viên trung tâm phải chuyển đổi lại thức ăn sang lá cây, hoa quả phù hợp và chăm sóc trong môi trường bán hoang dã để chúng lấy lại tập tính. Trung tâm phải theo dõi và chữa trị bệnh rồi mới thả chúng về môi trường tự nhiên.

Công việc cứu hộ động vật tưởng như đơn giản nhưng theo cán bộ, nhân viên trung tâm, họ luôn phải đối mặt nguy hiểm bởi dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp. Thời gian đầu được tiếp nhận về trung tâm, nhiều loại động vật như rắn hổ mang, hổ, gấu, khỉ, vượn... rất hung dữ, sẵn sàng tấn công bất kể ai mà chúng cho là gây nguy hiểm, kể cả với người chăm sóc. Ngoài ra, các loài vật rất dễ lây bệnh chéo với nhau và lây cho người khi tiếp xúc (bệnh dại, xoắn khuẩn, cúm) hoặc qua nọc độc (các loài rắn hổ, côn trùng).

"Nhưng vì tình yêu với động vật, chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc cho chúng thật khỏe mạnh để tái hòa nhập thiên nhiên. Có nhiều con vật khi được thả về rừng, chúng muốn quấn quýt bên con người. Thấy vậy, chúng tôi rất vui, nhớ chúng lắm nhưng cũng phải chấp nhận để chúng trở về với "ngôi nhà" thiên nhiên rộng lớn của mình" - bác sĩ Ngọc Anh tâm sự.

Thả về tự nhiên gần 1.400 cá thể

Theo Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, sau hơn 20 năm thành lập, đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ gần 1.500 cá thể động vật hoang dã và thả về môi trường tự nhiên gần 1.400 con.

Trung tâm đang nuôi cứu hộ gần 100 cá thể động vật các loại, trong đó đáng chú ý có 7 con hổ Đông Dương - nạn nhân một vụ buôn bán trái phép. Tỉ lệ cứu hộ thành công của trung tâm bình quân đạt 85%. Trong số động vật được cứu hộ có nhiều loài quý hiếm, nguy cấp, như: Voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, gấu, các loài linh trưởng, rắn hổ mang, gà lôi lam, cu li, cầy, hổ, beo, tê tê...

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/benh-vien-cua-muong-thu-20231119201626812.htm