Bệnh viện dã chiến - dấu mốc chống dịch của Bình Phước
Sẵn sàng cho các diễn biến xấu nhất của dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định 1950, 1951 về thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid 19 tại Trung tâm y tế huyện Đồng Phú và trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Hai bệnh viện dã chiến này có chức năng, nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực điều trị tại chỗ
Với quy mô 150 giường, bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Đồng Phú được chuyển đổi công năng từ Trung tâm y tế huyện sẽ đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tất cả các thể từ nhẹ đến nặng và cả bệnh nhân không có triệu chứng.
Bệnh viện phân thành các khu riêng biệt bao gồm: khu điều hành, khu chống nhiễm khuẩn, khu nghỉ dành cho nhân viên y tế và các phân khu điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện có không gian rộng, thuận tiện giao thông, cơ sở vật chất thiết yếu, đủ năng lực về cung cấp nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường, xử lý chất thải y tế,…
Bác sĩ Nguyễn Văn Túy, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Đồng Phú và là Giám đốc Bệnh viện dã chiến huyện Đồng Phú cho biết: “Khi chuyển đổi công năng từ trung tâm y tế sang bệnh viện dã chiến, chúng tôi tập trung hơn vào việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đồng thời một phần nguồn nhân lực được phân bổ xuống cộng đồng để tiếp tục làm công tác chống dịch. Hiện bệnh viện dã chiến đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất từ máy siêu âm, máy X-quang, máy thở, bình oxy, sẵn sàng cho việc điều trị bệnh nhân”.
Tính đến hôm nay (30-7), Đồng Phú là huyện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất tỉnh với 46 ca nhiễm. Tuy nhiên, Trung tâm y tế huyện mới chỉ tiếp nhận điều trị cho 22 ca nhiễm. Số còn lại phải nhờ trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh hỗ trợ điều trị. Dưới áp lực chống dịch vô cùng lớn do là địa bàn cửa ngõ, nên việc thành lập bệnh viện dã chiến sẽ giảm tải nỗi lo và chia lửa cho tuyến đầu chống dịch.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị các phương tiện để có thể hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh và những bệnh viện đầu ngành của TP. Hồ Chí Minh cho việc điều trị từ xa, đảm bảo điều trị trong những tình huống xấu và bệnh nhân có bệnh nền, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn hơn” - bác sĩ Nguyễn Văn Túy cho biết thêm.
Hiện bệnh viện dã chiến Trung tâm y tế huyện Đồng Phú đang thực hiện điều trị cho 1 bệnh nhân nhiễm Covid-19 có tiền sử bệnh nền ung thư đại tràng và có biểu hiện hơi khó thở. Các bác sĩ đã theo dõi sát sao trường hợp này, sẵn sàng đáp ứng oxy và hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên để có phương án cứu chữa.
Tận dụng nguồn lực hiện có
Việc tận dụng cơ sở hạ tầng ở những địa điểm có thể đưa vào sử dụng ngay để cải tạo, lắp đặt máy móc, thiết bị đã đảm bảo được tiến độ “thần tốc” trong việc thiết lập, xây dựng bệnh viện dã chiến, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, cải tạo trong thời gian ngắn. Do vậy, chỉ trong 1 tuần bắt đầu từ khi tiến hành khảo sát địa điểm, bệnh viện dã chiến thành phố Đồng Xoài được cải tạo từ Nhà thi đấu đa năng thành phố đã chính thức đi vào sử dụng.
“Sau khi khảo sát và đánh giá tình hình thực tế của diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với số ca tăng lên hàng ngày như hiện nay, chúng tôi đã đề xuất nâng cấp khu vực điều trị dã chiến từ 150 giường lên bệnh viện dã chiến với công suất 180 giường và được lãnh đạo tỉnh chấp thuận. Về mặt công năng, diện tích, Nhà thi đấu đa năng hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện đặt ra của một bệnh viện dã chiến và chúng tôi muốn tăng số giường lên để đảm bảo năng lực điều trị cho bệnh nhân” - ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài nói.
Cùng với việc tận dụng cơ sở vật chất hiện có, thành phố Đồng Xoài còn vận động các doanh nghiệp cùng tham gia, chung tay trong việc hỗ trợ một phần trang thiết bị, chia sẻ với những khó khăn mà chính quyền và người dân đang phải đối mặt trong đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kavi (Bình Phước) khẳng định: “Là doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mong được đóng góp một phần cùng với chính quyền, người dân vượt qua đại dịch”.
Ngay trước lễ khánh thành bệnh viện dã chiến thành phố Đồng Xoài, Công ty cổ phần Tập đoàn Kavi đã tặng bệnh viện dã chiến 3 máy thở xâm lấn và 3 máy tạo oxy với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Số máy này được nhập trực tiếp từ Hàn Quốc. Trong đó, máy thở xâm lấn dùng cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Máy tạo oxy có tác dụng như máy lọc không khí, cung cấp nguồn oxy cho bệnh nhân mà không cần phải dùng bình thở chuyên dụng. “Chúng tôi hy vọng những thiết bị hiện đại, nhỏ gọn này sẽ phù hợp với việc điều trị dã chiến và hỗ trợ tích cực cho y, bác sĩ cũng như bệnh nhân trong quá trình điều trị” - ông Thành cho biết thêm.