Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc: Chính thức hoạt động
Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Hiện nay, công trình đã hoàn thành, bàn giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chào mừng dịp lễ 30/4 - 01/5 và Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958 - 29/4/2023).
Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc do Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - VNCC (Bộ Xây dựng) thiết kế với Quy mô Dự án nhóm B, công trình cấp I, với 1.000 giường; Diện tích xây dựng 15.130 m2; tổng diện tích sàn 98.874 m2, bình quân diện tích 98,8 m2/giường. Tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng. Công trình gồm 2 dự án. Dự án Nhà điều trị nội trú: tổng mức đầu tư 788 tỷ đồng gồm 12 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tầng tum; tổng diện tích sàn 60.522 m2; công năng chính là điều trị bệnh nhân. Đơn vị trúng thầu thi công: Liên danh Tổng công ty Thành An - Tổng công ty 789 (Bộ Quốc phòng). Dự án khởi công từ tháng 7/2017, dự án đã cơ bản hoàn thành tháng 12/2020.
Dự án Nhà kỹ thuật nghiệp vụ và các công trình phụ trợ: Tổng mức đầu tư 722 tỷ đồn gồm 5 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tầng tum; tổng diện tích sàn 31.592 m2 - phụ trợ 6.760 m2; công năng chính khám bệnh. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) và Công ty giải pháp công nghệ tòa nhà An Thịnh, dự án được khởi công tháng 8/2020; sau 2 năm thi công, đến tháng 8/2022, dự án đã cơ bản hoàn thành.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành 2 dự án với 1 tầng hầm và 12 tầng nổi. Tầng hầm: Khoa dinh dưỡng; Khoa u bướu, xạ trị; Khoa y học hạt nhân, khu đậu xe. Tầng 1: Sảnh chính, khu đợi, khu làm thủ tục xuất nhập viện, quầy thuốc; Khoa cấp cứu; Khoa chẩn đoán hình ảnh; khu thận nhân tạo; căng tin... Tầng 2: Khoa khám bệnh, khu thủ tục khám bệnh, nhà thuốc, khu siêu âm; khu nội soi; Khoa sơ sinh; Khoa nhi. Tầng 3: Khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức; Hồi sức tích cực - chống độc; Khoa sản, phụ sản. Tầng 4: Khoa xét nghiệm huyết học - truyền máu; Khoa giải phẫu bệnh (bộ phận vi thể); Trung tâm tim mạch (can thiệp); Khoa y học hạt nhân; Khoa u bướu; Khoa bỏng; khu hành chính , hội trường, giao ban. Tầng 5: Khoa ngoại thần kinh; Khoa chấn thuơng chỉnh hình; Trung tâm tim mạch (nội tim mạch); Khoa thận nhân tạo. Tầng 6, 7: Khoa ngoại lồng ngực; ngoại tiết niệu; ngoại tổng hợp. Tầng 8: Khoa răng - hàm - mặt; Khoa tai - mũi - họng; Khoa mắt; Khoa cơ xương khớp. Tầng 9: Lão khoa; dị ứng; da liễu; nội tiết; Tầng 10: Khoa đông y; Khoa phẫu thuật thẩm mỹ; Khoa điều trị vô sinh; Khoa dược. Tầng 11, 12: Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; kho, xưởng sửa chữa trang thiết bị, vật tư; Trung tâm đào tạo - nghiên cứu khoa học; thư viện - phòng đọc.
Toàn bộ hệ thống thiết bị xây dựng được đầu tư hiện đại, đồng bộ: Hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, chống sét, phòng cháy chữa cháy; hệ thống cấp điện dự phòng, đường dây và máy biến áp; hệ thống tích điện UPS; hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hút khí, hút gió; hệ thống điện thoại, mạng, truyền hình; hệ thống camera an ninh, hệ thống gọi y tá, loa thông báo, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số khám tự động; hệ thống quản lý tòa nhà (BMS); hệ thống thang máy; hệ thống cấp nước vô khuẩn; hệ thống cấp khí y tế; hệ thống khí sạch cho phòng mổ, phòng vô trùng,…; hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải rắn.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh Vĩnh Phúc - đơn vị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao chủ đầu tư cho biết: Trong quá trình thực hiện triển khai dự án, đã gặp rất nhiều khó khăn, do dự án lớn, công tác thẩm tra, thẩm định và xin ý kiến về thiết kế BVTC - DT liên quan đến nhiều Bộ, ngành Trung ương với nhiều loại thủ tục, quy định, nhất là đối với dự án bệnh viện, nên mất rất nhiều thời gian để thực hiện, hoàn thiện thiết kế - dự toán.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, do giá vật tư, kim loại tăng (nhất là thép và kim loại) ảnh hưởng đến các nhà thầu, thậm chí còn có tư tưởng cầm chừng chờ cơ chế tháo gỡ của Chính phủ để giảm lỗ, gây chậm tiến độ; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020, 2021 cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Công trình bệnh viện lớn, trong quá trình thiết kế, thẩm duyệt chưa lường trước hết được, nên việc bổ sung phát sinh là khó tránh khỏi, mặc dù nhà thầu và các bên ủng hộ, đồng hành giải quyết, song cũng gây chậm tiến độ thi công.
Dự án đã cơ bản hoàn thành theo thiết kế từ tháng 8/2022, tuy nhiên thời điểm duyệt Thiết kế BVTC từ năm 2017, 2019 nên một số nội dung quy chuẩn phải chỉnh sửa theo Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2020 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu khắc phục triệt để theo các quy chuẩn mới, đảm bảo an toàn khi bệnh viện đi vào hoạt động.
Đến đầu tháng 01/2023, Cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh đã kiểm tra và có Văn bản số 09 và 16/PCCC-CTPC chấp thuận nghiệm thu về PCCC; ngày 17/3/2023, công trình được Bộ TN&MT cấp Giấy phép môi trường số 59/GPMT-BTNMT; Ngày 05/4/2023, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) có Văn bản số 38/GĐ-GDD3/HT chấp thuận điều kiện nghiệm thu công trình - đây là các văn bản quan trọng đủ điều kiện cho công trình xây dựng được bàn giao.
Ngày 05/4/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 2370/UBND-VX1 chính thức đồng ý cho bàn giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh đi vào hoạt động. Hiện tại, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh Vĩnh Phúc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang gấp rút thực hiện công tác di chuyển bệnh viện với phương châm “từng bước, an toàn, không vội vàng”, đảm bảo tài sản và tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân khi di chuyển ra địa điểm mới.