Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc chữa trị thành công cho bệnh nhân nhi mắc bệnh hiếm gặp
Ngày 16-4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã chữa trị thành công triệt để cho bệnh nhân nhi, 9 tuổi, mắc hội chứng bệnh tim mạch hiếm gặp. Đây cũng là trường hợp bệnh nhi đầu tiên mắc bệnh này, được đơn vị chủ động điều trị thành công.
Trước đó, ngày 11-4, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành Úy (9 tuổi) trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, với các triệu chứng lâm sàng hồi hộp, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có những cơn nhịp tim nhanh kịch phát, thời điểm kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân 229 lần/phút (so với người bình thường nhịp tim 70 – 80 lần/phút). Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Wolff Parkinson White (W.P.W), được mô tả từ năm 1930 do 3 tác giả L. Wolff; J. Parkison và P.D. White.
Điều đáng nói, trước khi phát hiện triệu chứng, bệnh nhi này vẫn sinh hoạt bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện bệnh tật. Chỉ đến khi học về, đột nhiên em thấy tức ngực khó thở, tim đập nhanh, hoảng loạn. Lúc này gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân xuống viện. Qua chẩn đoán xác định đây là ca bệnh mắc hội chứng Wolff Parkinson White, rất hiếm gặp, tỉ lệ 20 đến 30 người/trăm nghìn dân. Nếu xảy ra với người mắc bệnh tim thì nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc đã liên hệ với Bệnh viện Tim Hà Nội để được hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Sau 1,5 giờ tích cực chữa trị, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thành Úy đã hồi phục bình thường.
Chia sẻ thông tin về trường hợp bệnh nhi này, Bác sĩ Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc) cho biết, đối với hội chứng bệnh nhân Nguyễn Thành Úy gặp phải, đây là căn bệnh hiếm gặp, nên việc chữa trị có phần khó khăn hơn so với bệnh thường gặp, ngoài ra thời gian điều trị (nhanh chóng, kịp thời) cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ tính mạng bệnh nhân.
“Hiện tại, đối với hội chứng W.P.W có 3 phương pháp điều trị bệnh, dùng máy sốc điện và thuốc, đây là những biện pháp nhằm ức chế bệnh, chứ chưa triệt để. Còn phương pháp thứ 3 là dùng sóng điện từ dò vị trí để đốt phá (làm hỏng) triệt tiêu sóng bệnh. Đây là phương án chữa bệnh triệt để nhất so với các phương pháp khác, hiệu quả điều trị dứt điểm không tái phát. Cháu Nguyễn Thành Úy được áp dụng phương pháp điều trị thứ 3, dùng sóng điện từ triệt tiêu sóng bệnh.” - Bác sĩ Nguyễn Văn Công cho biết.
Như vậy, đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên mắc hội chứng Wolff Parkinson White được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc chữa thành công. Thông thường, với trường hợp bệnh nguy hiểm này sẽ được chuyển lên tuyến trên điều trị, ít có bệnh viện tiến hành chữa trị cho bệnh nhi mắc hội chứng. Việc bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đặc biệt đối với những ca bệnh nguy hiểm, hiếm gặp sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.