Bệnh viện Da liễu TP.HCM mở phòng khám tiêm ngừa bệnh 'giời leo'

Ngày 6.5, Bệnh viện Da liễu TP.HCM chính thức khai trương Phòng khám tiêm chủng các bệnh liên quan đến bệnh da liễu. Trước mắt phòng khám này tiêm vắc xin ngừa các bệnh zona thần kinh, thủy đậu, HPV.

Bệnh "giời leo" có thể gây tử vong

Mới đây, Khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị loét, mưng mủ nhiều ở vùng gáy, cổ bên trái kèm theo sốt và đau nhức. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị viêm mô tế bào do bệnh lý zona thần kinh gây ra ở ngày thứ 10.

Người dân đến tiêm ngừa bệnh zona thần kinh (bệnh "giời leo") tại Phòng khám tiêm chủng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM sáng nay (6.5) - Ảnh: PV

Người dân đến tiêm ngừa bệnh zona thần kinh (bệnh "giời leo") tại Phòng khám tiêm chủng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM sáng nay (6.5) - Ảnh: PV

BSCK2 Nguyễn Vũ Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết bệnh nhân này khi phát hiện các triệu chứng của bệnh zona thần kinh đã “đi khoán” (chữa theo cách dân gian) và đắp thuốc nam khiến cho dịch tiết vết thương tồn đọng trên da, vi khuẩn tăng sinh rất nhiều gây nên tình trạng nhiễm trùng ngoài da. Sau đó, bệnh nhân vẫn tiếp tục “đi khoán”, đắp thuốc nam, tình trạng nhiễm trùng da ăn sâu xuống mô dưới da tạo thành viêm mô tế bào.

“Rất may cho bệnh nhân này là thời điểm bị viêm mô tế bào đã đến bệnh viện điều trị, nên các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch, thuốc giảm đau. Do đó, sau thời gian điều trị và chăm sóc hiện vết thương đã khô dần và lành. Nếu bệnh nhân chậm hơn, tiếp tục đắp thuốc nam, “đi khoán” thì vi khuẩn sẽ đi từ mô tế bào vào trong máu gây nên nhiễm trùng huyết và nặng có thể tử vong”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.

Theo bác sĩ Hoàng, bệnh zona thần kinh (hay còn gọi là bệnh giời leo) là bệnh nhiễm trùng da do vi rút thần kinh varicella zoster gây ra phát ban ngoài da (gọi là thủy đậu). Sau khi thủy đậu lành, vi rút này sẽ đi vào các dây thần kinh và “ngủ” ở đây. Nếu người bệnh lớn tuổi, sức đề kháng yếu, vi rút varicella zoster sẽ từ các dây thần kinh bò ra ngoài da, gây ra bệnh ngoài da gọi là bệnh zona thần kinh.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh zona thần kinh là phát ban, thường là những mụn nước mọc thành từng chùm ở nửa người bên trái, hoặc nửa người bên phải tùy trường hợp. Ngoài ra, người bệnh còn kèm các triệu chứng đau nhức, thường là đau châm chích, đau nóng rát, đau như kiến bò, đau như bỏng lửa…

Khả năng lây lan của bệnh zona là rất thấp, chỉ lây nhiễm khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch bóng nước của người bệnh.

Tuy nhiên khi mắc bệnh, nếu điều trị không đúng cách và kịp thời, bệnh zona thần kinh có thể gây nhiễm trùng da, viêm mô tế bào, nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

“Khi điều trị chậm trễ, hoặc không đúng cách sẽ khiến vi khuẩn tăng sinh rất nhiều gây nên tình trạng nhiễm trùng ngoài da. Sau đó, nhiễm trùng ăn sâu xuống mô dưới da tạo thành viêm mô tế bào. Nếu để kéo dài vi khuẩn sẽ đi từ mô tế bào vào trong máu gây nên nhiễm trùng huyết và nặng có thể tử vong”, bác sĩ Hoàng giải thích.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh giời leo

Theo bác sĩ Hoàng, những người dễ mắc bệnh zona thần kinh nhất là những người trên 50 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch như: bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân bị các bệnh tự miễn…

“Vi rút varicella zoster nằm ở hệ thần kinh và khi chúng ta lớn tuổi, bắt đầu từ 50 trở lên, sức đề kháng giảm, vi rút này sẽ tăng sinh, phát triển gây ra bệnh zona. Đối với những người trẻ nhưng bị suy giảm miễn dịch khiến sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho vi rút varicella zoster tăng sinh, gây ra bệnh zona thần kinh”, bác sĩ Hoàng nói.

Đối với bệnh zona thần kinh, bác sĩ Hoàng cho biết, thuốc kháng vi rút chỉ có hiệu quả cao nhất trong vòng 2-3 ngày đầu phát ban, khi đã quá 3 ngày thì thuốc kháng vi rút kém hiệu quả.

“Do đó khi phát hiện mắc zona thần kinh, bệnh nhân nên kịp thời đến các phòng khám chuyên khoa da liễu, hoặc bệnh viện chuyên khoa da liễu để được bác sĩ cho thuốc, và hướng dẫn chăm sóc đúng cách. Người bệnh tuyệt đối không được “đi khoán”, đắp thuốc nam… sẽ làm cho vết thương nhiễm trùng nặng hơn, gây ra các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Hoàng khuyên.

Để phòng ngừa bệnh zona thần kinh, bác sĩ Hoàng khuyến cáo những người trên 50 tuổi, sức đề kháng giảm nên tiêm vắc xin phòng bệnh zona thần kinh. Đối với những người trẻ nhưng bị suy giảm miễn dịch như: bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân bị các bệnh tự miễn… cũng nên tiêm vắc xin phòng zona thần kinh từ năm 18 tuổi trở lên.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/benh-vien-da-lieu-tp-hcm-mo-phong-kham-tiem-ngua-benh-gioi-leo-232307.html