Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận hơn 10.000 ca zona thần kinh mỗi năm

Mỗi năm, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận hơn 10.000 ca zona thần kinh. Bệnh zona thần kinh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da, biến chứng mắt, liệt dây thần kinh mặt, tổn thương thính giác…

BS.CKII Nguyễn Vũ Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, bệnh zona thần kinh (giời leo) là bệnh do virus Varicella-Zoster gây ra – virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi khỏi thủy đậu, virus vẫn tồn tại trong các hạch thần kinh và có thể tái hoạt khi sức đề kháng suy giảm.

"Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận gần 10.000 ca zona thần kinh. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng đang có xu hướng trẻ hóa", Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho hay.

Dù phần lớn mỗi người chỉ mắc zona thần kinh một lần trong đời nhưng một số trường hợp có thể bị tái phát.

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tái phát của zona trong dân số chung dao động khoảng 1- 6%. Nhóm có nguy cơ tái phát cao là người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch...

Bệnh nhân bị zona thần kinh biến chứng. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân bị zona thần kinh biến chứng. Ảnh: BVCC.

Hơn 2 năm chăm sóc người nhà bị zona thần kinh, bà Trần Thị Kim Loan (Quận 4) chia sẻ: "Bệnh của người nhà tôi tiến triển rất nhanh. Ban đầu, các mụn nước chỉ xuất hiện ở hai ngón tay nhưng sau đó vài tuần các bóng nước đã lan ra cả cánh tay và nửa ngực.

Quá trình điều trị bệnh zona thần kinh rất gian nan, chi phí điều trị cao và để lại ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ. Lo ngại bị nhiễm bệnh nên tôi chủ động đi tiêm vaccine", bà Loan cho hay.

BS.CKII Võ Thanh Phương – Phó khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, hiện nay đã có phác đồ điều trị zona thần kinh hiệu quả bằng thuốc kháng virus, thuốc giảm đau và chăm sóc da. Việc điều trị trong vòng 72 giờ từ khi khởi phát giúp bệnh nhẹ hơn và giảm nguy cơ đau sau zona. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như đau thần kinh kéo dài, nhiễm trùng da, biến chứng mắt, liệt dây thần kinh mặt, tổn thương thính giác…

"Chỉ cần một cơn gió nhẹ hay vải chạm vào vùng tổn thương cũng khiến bệnh nhân đau nhói", BS.CKII Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ.

Bệnh viện Da liễu TPHCM triển khai tiêm 3 loại vaccine zona, thủy đậu và HPV. Ảnh: P.T.

Bệnh viện Da liễu TPHCM triển khai tiêm 3 loại vaccine zona, thủy đậu và HPV. Ảnh: P.T.

BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, để tránh biến chứng nặng, người bệnh cần tuyệt đối tránh các phương pháp dân gian như đắp lá, đắp đỗ xanh ...

Người bệnh cần giữ vệ sinh cơ thể, tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm và sữa tắm dịu nhẹ. Các vùng tổn thương chỉ nên rửa nhẹ bằng khăn mềm hoặc nước muối sinh lý 0,9% 2-3 lần/ngày, tránh xà phòng tẩy mạnh hay dung dịch sát khuẩn đậm đặc.

Sau khi vệ sinh, để da khô tự nhiên hoặc thấm nhẹ, hạn chế băng kín vùng bệnh trừ khi có chỉ định. Nếu cần che phủ, dùng gạc mỏng, sạch và thay mỗi ngày. Không nên cào, gãi, cố ý làm vỡ mụn nước vì dễ gây nhiễm trùng và để lại sẹo xấu. Nếu mụn nước vỡ tự nhiên, cần vệ sinh và giữ khô thoáng.

Cần giặt riêng đồ dùng cá nhân để tránh lây virus. Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, mủ, sốt... Đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám khi có bất thường. Tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus, giảm đau và thuốc bôi theo chỉ dẫn bác sĩ là điều cần thiết đề điều trị bệnh có hiệu quả.

Ngày 6/5, Bệnh viện Da liễu TPHCM khai trương Phòng tiêm chủng trực thuộc Khoa Khám bệnh. Phòng tiêm chủng triển khai tiêm 3 loại vaccine zona, thủy đậu và HPV.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-da-lieu-tphcm-tiep-nhan-hon-10000-ca-zona-than-kinh-moi-nam-169250506144121646.htm