Bệnh viện Da liễu TW cảnh báo: Tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín gia tăng
Thời gian vừa qua, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu TW tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín (hay còn gọi là nhiễm độc Arsenic). Nguyên nhân có thể là do nguồn nước, thuốc điều trị hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Nội dung:
1. Tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín nhập viện gia tăng
2. Làm cách nào để nhận biết đã bị nhiễm độc thạch tín (nhiễm độc Asen)?
3. Có phòng tránh nhiễm độc thạch tín được không?
Asen (As) hay thạch tín là một á kim, có màu xám bạc hoặc màu trắng như thiếc, có tính giòn, tỷ trọng 5,73 và bị nóng chảy ở nhiệt độ 817°C. Asen được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới ở trong các mạch nước ngầm. Các hợp chất của asen rất độc
Nhiễm độc thạch tín (hay còn gọi là nhiễm độc Arsenic) là tình trạng cơ thể tiếp xúc với thạch tín và bị nhiễm độc. Những người khai thác mỏ, luyện thiếc và vàng tự do thường có nguy cơ nhiễm độc cao hơn. Tuy hiên, trên thực tế thì tình trạng nhiễm độc thạch tín xảy ra phổ biến nhưng lại không được nhiều người chú trọng hoặc bỏ sót.
1. Tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín nhập viện gia tăng
Theo Bs.Nguyễn Hữu Quang - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng của Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, trong thời gian vừa qua thì khoa đã tiếp nhận khá nhiều các ca bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín.
Tiêu biểu có thể kể đến một bệnh nhân Nam ở Hà Nội có biểu hiện nhiễm độc thạch tín rõ ràng như: khởi phát bằng những điểm dày sừng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân với kích thước nhỏ từ 1 cho tới vài mm. Khi sờ vào lòng bàn tay, lòng bàn chân của bệnh nhân thì thấy sần sùi và thô ráp,...
“Đặc điểm đáng chú ý của nhiễm độc Arsenic mạn tính là nó tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết. Qua khai thác tiền sử trường hợp bệnh nhân này cũng cho thấy, bệnh nhân có sử dụng thuốc đông y từ cách đây 20 năm để chữa bệnhhen phế quản. Với các trường hợp ngộ độc Arsenic nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ tiến triển thành ung thư…” - BS. Quang cảnh báo.
2. Làm cách nào để nhận biết đã bị nhiễm độc thạch tín (nhiễm độc Asen)?
Thạch tín tồn tại ở đâu trong môi trường tự nhiên?
Các bác sĩ cho biết, Arsenic là một á kim rất độc và cũng được ứng dụng trong điều trị bệnh nhưng cần sử dụng với một liều lượng cực nhỏ. Trong môi trường tự nhiên, Arsenic được tìm thấy ở trong các mạch nước ngầm, nước giếng khoan. Nồng độ thạch tín trong các nguồn nước này cao hơn nhiều so với nguồn nước từ sông hay hồ.
Một số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hay các hương liệu đốt xông cũng đã tìm thấy thạch tín bên trong.
Thạch tín dạng nào gây nguy hiểm cho người tiếp xúc?
Theo Ts.Bs Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, BV ĐHYD cho biết, thạch tín được chia làm hai dạng:
- Thứ nhất là thạch tín hữu cơ được tìm thấy trong thực vật và các mô thịt động vật. Loại thạch tín này thường là vô hại đối với cơ thể con người.
- Thứ hai là thạch tín vô cơ, loại thạch tín này thường tích tụ trong đất đá và hòa tàn vào trong nước. Loại thạch tín này không màu, không mùi, không vị. Độc tố được đánh giá là mạnh gấp 4 lần thủy ngân và được công nhận thuộc nhóm các chất gây ung thư nhóm 1. Thạch tín và các hợp chất của thạch tín thường được sử dụng làm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.
Thạch tín đi vào cơ thể qua đường nào?
Thạch tín đi vào vào cơ thể con người thông qua ba con đường chính, cụ thể:
- Đường hô hấp
- Đường tiêu hóa
- Thông qua da.
Khi cơ thể tiếp xúc với một lượng thạch tín vượt ngưỡng an toàn có trong thực phẩm, nước uống hay không khí thì chúng sẽ trở thành chất độc gây nguy hiểm cho cơ thể.
“Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể gây tử vong ngay lập tức. Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, ung thư thậm chí tử vong”, BS. Ngọc nhấn mạnh.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đã bị nhiễm độc thạch tín là gì?
Có hai dạng nhiễm độc thạch tín là nhiễm độc asen cấp tính và nhiễm độc asen mạn tính. Tình trạng nhiễm độc ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào cách mà người bệnh tiếp xúc với asen và trong khoảng thời gian dài như thế nào.
Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bị nhiễm độc Arsenic là bị dày sừng ở từng điểm lòng bàn tay hay lòng bàn chân. Xuất hiện “hạt mưa trên cát”, hay còn gọi là các chấm giảm sắc tố nhỏ trên nền tăng sắc tố, các chấm này thường phổ biến ở vùng lưng. Nhất là những vùng có tổn thương của ung thư da tế bào gai.
Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết cơ thể đã bị nhiễm độc thạch tín theo từng loại:
- Nhiễm độc thạch tín cấp tính
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể người bệnh hấp thụ phải một lượng lớn thạch tín thông qua đường tiêu hóa hay hệ hô hấp. Những biểu hiện nhiễm độc thường xuất hiện sau 30 phút:
Cảm giác khô miệng và khó nuốt
Bị đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn
Khi tiêu chảy nặng, phân có lẫn các hạt như hạt gạo và kèm máu như người bị bệnh tả
Nước tiểu ít, khi đi tiểu có lẫn máu
Thân nhiệt hạ, huyết áp hạ
Xuất hiện tình trạng chuột rút và lơ mơ, suy giảm nhận thức kèm đau đầu
Hơi thở có mùi khó chịu, miệng có vị kim loại và bị tăng tiết nước bọt kèm đổ mồ hôi nhiều
Có thể xuất hiện tinh trạng bị viêm ống thận cấp.
Trong trường hợp bị hít phải một lượng thạch tín có nồng độ ít đậm đặc hơn thì những biểu hiện của người bệnh có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để bộc phát ra bên ngoài. Lúc này, bệnh nhân có thể bị co giật và thay đổi màu sắc của móng tay.
- Nhiễm độc thạch tín mạn tính:
Người bị nhiễm độc thạch tín mạn tính thường có những dấu hiệu dưới đây:
Hệ tiêu hóa: khó chịu, đau bụng, bị tiêu chảy hoặc táo bón
Ở khớp: đau nhức các khớp, co giật, teo cơ kèm theo cảm giác tê cóng hay bỏng da, tê rần như có kiến bò, bị viêm nhiều dây thần kinh dẫn tới liệt chi hay bị rối loạn cảm giác
Ở da: xuất hiện tình trạng ngứa ngáy và ban đỏ ngoài da. Nặng hơn là các vết viêm loét, loạn sừng ở lòng bàn tay hay lòng bàn chân kèm theo dấu hiệu sạm da
Mi mắt dưới bị phù, có thể bị viêm màng tiếp hợp hay còn gọi là đỏ mắt
Ở hệ hô hấp: viêm họng, viêm niêm mạc đường hô hấp trên gây chảy nước mũi, mất giọng, viêm lợi, viêm họng.
Về lâu dài nếu như không được can thiệp y tế kịp thời có thể gây ra biến chứng ung thư da, ung thư phổi và ung thư xương.
3. Có phòng tránh nhiễm độc thạch tín được không?
Phòng ngừa nhiễm độc thạch tín tại nơi làm việc:
- Cần tổ chức được việc hút thông gió, hút bụi hay khí asen ở nơi làm việc
- Xây tường nhẵn, nơi làm việc và lối đi chung cần chống thấm nước và phải được cọ rửa cũng như vệ sinh hàng ngày
- Cần thay thế những hợp chất asen tan trong nước thành các hợp chất asen không tan
- Tổ chức thăm khám sức khỏe định kì cho công nhân làm việc thường xuyên trong môi trường có thạch tín
- Người lao động cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động
- Không được ăn uống, hút thuốc ở nơi làm việc có asen
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Phòng ngừa nhiễm độc thạch tín tại nhà:
Như đã nói ở trên, thạch tín có thể được tìm thấy trong các mạch nước ngầm, nước giếng khoan hay trong các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Do vậy, để phòng tránh nhiễm độc asen cần đảm bảo những tiêu chí sau:
- Với gia đình sử dụng nước giếng khoan thì cần sử dụng bể lọc có trang bị giàn phun mưa nếu như phát hiện nồng độ sắt trong nước vượt quá 5mg/lít. Hoặc hộ gia đình cũng có thể trang bị những thiết bị có tính năng lọc thạch tín
- Kiểm tra nguồn nước, kiểm tra nồng độ thạch tín ở nguồn nước xung quanh.
- Với gia đình vẫn đang lưu trữ nước mưa để sử dụng thì cần che chắn kĩ càng, sử dụng bồn chứa nước sạch để trữ nước
- Giếng khoang sâu, càng sâu càng giảm nguy cơ nước có thạch tín. Một khảo sát năm 2009 về nguồn nước ở đồng bằng sông Hồng và thành phố Hà Nội của các chuyên gia Việt Nam và Thụy Sỹ cho thấy: Có 27% giếng có nồng độ Arsenic vượt quá nồng độ an toàn 10 μg/l do Tổ chức Y tế Thế giới quy định.
Ngoài ra, bác sĩ cũng nhấn mạnh tới việc quan sát và nhận biết các dấu hiệu bất thường của cơ thể để thăm khám kịp thời. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị những bệnh mạn tính như vảy nến hay hen phế quản. Người bệnh cũng không được tự ý mua những thuốc không có nguồn gốc.
Theo các chuyên gia, arsenic có tác dụng làm trắng nên có thể xuất hiện trong những sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc và không có kiểm định an toàn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, asenic có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm mắt như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi…. Vì thế khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp hãy chú ý kỹ tới nguồn gốc và nơi sản xuất.
Nhiễm độc thủy ngân và những điều cần biết