Bệnh viện không… phong bì
Việc thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế giúp người dân xóa bỏ quan niệm đã tồn tại nhiều năm nay rằng mỗi lần đến bệnh viện phải có phong bì 'lót tay' để được quan tâm hơn…
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy các khoa đều đông bệnh nhân, công việc bận rộn nhưng y, bác sĩ nào cũng niềm nở, chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình chu đáo.
Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân Phạm Thị Thanh (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) cho biết: Tôi bị tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Mỗi năm tôi đến đây điều trị khoảng 3 - 4 đợt và được y, bác sĩ chăm sóc chu đáo như người nhà mà chẳng phải lo khoản phong bì lót tay. Những nghĩa cử cao đẹp, sự ân cần, tận tụy của thầy thuốc tiếp thêm cho tôi nghị lực chiến thắng bệnh tật và những cơn đau dày vò, hành hạ.
“Để bệnh viện có thương hiệu thì không phải cứ tuyên truyền, giải thích cho bệnh nhân mà phải bằng hành động. Đặc biệt khi bệnh viện tư nhân ra đời, tôi quan sát thấy và tự hỏi tại sao bệnh nhân đến đông thế; tại sao bệnh viện công được đầu tư trang thiết bị hiện đại, cán bộ đào tạo bài bản lại không có nhiều bệnh nhân?. Tôi mới phát hiện ra điều quan trọng nhất là họ đến đây không phải lo lót phong bì mà vẫn được chăm sóc tận tình chu đáo. Vì vậy việc nói không với phong bì trong bệnh viện là cần thiết” BS CKII Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa chia sẻ.
Năm 2012 Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa thực hiện quyết liệt việc nói không với phong bì. Việc này đã đưa vào trong quy chế, tiêu chí thi đua hàng năm của bệnh viện. Cam kết lần đầu cán bộ vi phạm phạt bằng việc không được thưởng 1 tháng thu nhập tăng thêm; lần thứ 2 vi phạm là 3 tháng; lần thứ 3 vi phạm là 6 tháng và chuyển công tác.
Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, bệnh viện đã có hình thức xử phạt rất nghiêm khắc đối với trường hợp vi phạm. Vì vậy có trường hợp sau khi người nhà bệnh nhân phản ánh với bệnh viện, trưởng khoa chỉ vì nhận phong bì 200 ngàn của người bệnh đã bị phạt 3 triệu đồng. Đồng thời phải viết bản kiểm điểm, xin lỗi người bệnh; đồng thời hạ thi đua trong năm.
“Quan trọng để cho cán bộ có đời sống tốt lên thì người ta sẽ không nghĩ đến phong bì. Ngoài chế độ đầy đủ thì bệnh viện có cơ chế hỗ trợ thu nhập tăng thêm. Đó là cán bộ nào làm tốt, phục nhiều bệnh nhân thì được hưởng nhiều tiền và ngược lại. Bệnh viện tạo điều kiện việc làm tốt, thu nhập ngày càng nâng lên thì không có lý gì để vòi vĩnh bệnh nhân nữa. Nhiều năm nay ở bệnh viện không còn tình trạng phản ánh cán bộ või vĩnh hay nhận tiền của bệnh nhân, mà đa số được sự khen ngợi của bệnh nhân. Không chỉ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tăng mà thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ cũng được cải thiện đáng kể; đến nay tăng gấp 4 lần so với năm 2012” BS CK II Lê Tiến Toàn khẳng định.
Tại bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh, BS CKII Đoàn Mạnh Huân cho biết: Việc nâng cao trình độ chuyên môn, chú trọng về y đức được bệnh viện đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong thực hiện quy định của Bộ Y tế về “văn hóa nói không với phong bì”.
100% cán bộ viên chức lao động bệnh viện cam kết “nói không với phong bì” khi tiến hành phẫu thuật, thủ thuật cũng như trong quá trình điều trị và sau khi ra viện. Ngoài ban hành các văn bản, bệnh viện làm những tấm biển in dòng chữ: “Chúng tôi cam kết không nhận tiền, quà biếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dưới mọi hình thức. Rất mong được sự ủng hộ và phối hợp của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân” treo dọc hành lang, cầu thang, những nơi tập trung đông người và dễ nhìn thấy nhất để mọi người có thể nắm bắt được. Hình thức này đã tác động thường xuyên, trực tiếp tới ý thức của mọi người dân khi tới bệnh viện cũng như các cán bộ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân Đỗ Thị Huyền, thôn Hải Thanh, xã Hải Long, huyện Như Thanh nằm điều trị ở khoa sản cho biết: Tôi đã sinh cháu ở đây được hai hôm rồi và thấy đội ngũ y, bác sĩ ở đây nhiệt tình, chu đáo. Tôi rất vui khi quy định nói không với phong bì được thực hiện tốt ở bệnh viện. Bản thân tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác bớt đi gánh nặng khi mình không cần đưa phong bì mà các bác sĩ và điều dưỡng viên tại đây vẫn chữa trị và chăm sóc cho chúng tôi tận tâm, chu đáo.
Bác sĩ Đoàn Mạnh Huân kể rằng, có trường hợp người bệnh ra viện khăng khăng đòi cảm ơn, rồi tỏ ý trách giận khi bị từ chối. Lúc này bác sĩ phải tế nhị nói rằng “Tôi xin nhận tấm lòng của người nhà bệnh nhân, phong bì này tôi xin gửi lại để mua sữa, hoa quả cho bệnh nhân. Bản thân mình là người đứng đầu phải tiền phong gương mẫu đi đầu thì mọi người mới làm theo chứ”.
Triển khai thực hiện từ năm 2014 và làm quyết liệt nhất từ năm 2020 trở lại đây đã có tác động tích cực đến việc xây dựng thương hiệu của Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh. Năm 2020 Bệnh viện đa khoa Như Thanh đã khám bệnh cho hơn 45.051 lượt người; điều trị nội trú cho 9.341 lượt bệnh nhân. Quan trọng hơn hết là có 1.812 bệnh nhân được phẫu thuật tại bệnh viện; điều đó cho thấy, bệnh viện đang ngày càng lấy được niềm tin của nhân dân trong huyện khi đến khám chữa bệnh.
Khẳng định rằng việc thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế nói không với phong bì tại nhiều bệnh viện nói chung và bệnh viện công lập nói riêng đã có hiệu quả tích cực đến công tác khám, chữa bệnh tại nhiều bệnh viện. Người dân xóa bỏ quan niệm đã tồn tại nhiều năm nay rằng mỗi lần đến bệnh viện phải có phong bì “lót tay” để được quan tâm hơn hoặc cảm ơn đối với các y bác sĩ khi khám, điều trị. Sự chân thành, nhiệt tình chu đáo chăm sóc bệnh nhân như người nhà trở thành hình ảnh cao đẹp trong nhiều bài thơ của bệnh nhân gửi tặng cho các bệnh viện.
Bệnh viện muốn tạo dựng thương hiệu bền vững, ngoài cơ sở vật chất khang trang, thầy thuốc giỏi, trang thiết bị hiện đại, thái độ phục vụ nhiệt tình chu đáo, đương nhiên điều không thể thiếu là mỗi cán bộ, nhân viện tuyệt đối không nhận phong bì của người bệnh. Đó là kinh nghiệm của rất nhiều bệnh viện đã làm trong những năm qua.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/benh-vien--phong-bi/133926.htm