Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô tạng

Ngân hàng mô/giác mạc ra đời không chỉ là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng, mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lễ ra mắt Ngân hàng Mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 đã diễn ra ngày 13/6.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh.

Ngân hàng mô/giác mạc ra đời không chỉ là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng, mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép mô, giác mạc.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay hiện nay chuyên khoa mắt có 10 đơn vị có ngân hàng mô/giác mạc trên cả nước. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong những bệnh viện tiếp theo được Bộ Y tế cho phép thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô/giác mạc.

Tại buổi lễ, Bệnh viện cũng tổ chức “Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người” nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19/5/2024 vừa qua và triển khai các hoạt động vận động hiến mô, tạng, giác mạc và bộ phận cơ thể người đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.

 Các đại biểu ấn nút ra mắt Ngân hàng mô/giác mạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu ấn nút ra mắt Ngân hàng mô/giác mạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 sẽ trở thành một đơn vị cùng với Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đồng hành tuyên truyền vận động thu nhận giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra.

Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 cũng ra mắt Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. Đây là hoạt động góp phần tuyên truyền vận động người dân hiến mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4 năm 2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến) đến nay đã có hơn 20 tỉnh thành trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời…

 Các đại biểu tại Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tại Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường.

Theo ước tính Việt Nam hiện có trên 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/benh-vien-mat-ha-noi-2-thanh-lap-chi-hoi-van-dong-hien-tang-mo-tang-post958923.vnp