Bệnh viện nào có chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 thấp nhất ở TPHCM?

Theo Sở Y tế TP. HCM, một trong những bệnh viện có chỉ số rủi ro thấp nhất là Bệnh viện Nhi Đồng thành phố.

Tại thời điểm đánh giá ngày 22/04/2020 với số điểm 17,4%, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 thấp nhất trong các bệnh viện tham gia đánh giá thử nghiệm.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế về “Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM”, 10% là đích phấn đấu cuối cùng cho tất cả cơ sở KCB vì đây là chỉ số rủi ro thấp nhất (tất cả 31 tiêu chí đều ở mức 1 điểm), dưới 30% là chỉ tiêu phấn đấu chung cho tất cả các bệnh viện vì đây là mức rủi ro lây nhiễm thấp, những bệnh viện có chỉ số rủi ro lây nhiễm trung bình (từ 30 đến dưới 50%) sẽ phải tập trung nguồn lực để cải thiện những tiêu chí có điểm rủi ro còn cao.

Phụ huynh bệnh nhi được các điều dưỡng tại khu vực sàng lọc hỗ trợ thực hiện khai báo y tế và dán sticker nhận dạng trước khi bước vào khoa Khám bệnh.

Phụ huynh bệnh nhi được các điều dưỡng tại khu vực sàng lọc hỗ trợ thực hiện khai báo y tế và dán sticker nhận dạng trước khi bước vào khoa Khám bệnh.

Với phiên bản thử nghiệm đã được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa sau khi thử nghiệm đánh giá tại một số bệnh viện công lập, tư nhân, chiều ngày 22/04/2020, Sở Y tế cùng với lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng thành phố đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện này. Đây cũng là bệnh viện được đánh giá thử nghiệm lần cuối trước khi Sở Y tế chính thức ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM”.

Nhân viên bảo vệ hướng dẫn và kiểm soát việc rửa tay trước khi vào khoa Khám bệnh.

Nhân viên bảo vệ hướng dẫn và kiểm soát việc rửa tay trước khi vào khoa Khám bệnh.

Theo đó, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố hiện có chỉ số rủi ro là 17,4%, cho thấy bệnh viện này đã sẵn sàng thích ứng với các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn mới. Do đặc thù về triệu chứng của bệnh lý trẻ em, trong đó sốt và ho là 2 triệu chứng phổ biến khi trẻ đến bệnh viện để khám bệnh, Sở Y tế đặt hàng với 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi nghiên cứu triển khai mô hình “mỗi phòng khám Nhi phải là một phòng khám sàng lọc” bên cạnh phòng khám sàng lọc hiện hữu đặt gần nơi làm kê khai y tế theo quy định.

Ngay cả thân nhân bệnh nhi cũng được đo thân nhiệt từ xa

Ngay cả thân nhân bệnh nhi cũng được đo thân nhiệt từ xa

Vì đây là lần đầu tiên các bệnh viện tiếp cận với bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm, kết quả đánh giá lần đầu sẽ là căn cứ quan trọng để mỗi bệnh viện và cơ sở KCB có kế hoạch cải thiện chỉ số rủi ro trong thời gian tới. Sở Y tế sẽ hướng dẫn cách đánh giá và yêu cầu mỗi cơ sở KCB định kỳ hàng tháng đánh giá lại chỉ số này. Chính sự thay đổi chỉ số rủi ro theo chiều hướng tích cực theo thời gian mới phản ánh thật sự nỗ lực cải tiến chất lượng hướng đến an toàn cho người bệnh và cho chính nhân viên y tế.

Phiên bản chính thức của “Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM” sẽ được Sở Y tế ban hành vào ngày 24/04/2020.

Chia làm 5 mức độ rủi ro: (1) dưới 10%, rất ít rủi ro lây nhiễm; (2) từ 10% - dưới 30%, rủi ro lây nhiễm thấp; (3) từ 30 - dưới 50%, rủi ro lây nhiễm trung bình; (4) từ 50% - dưới 80%, rủi ro lây nhiễm cao; (5) từ 80% trở lên: rủi ro lây nhiễm rất cao.

Sau giai đoạn thử nghiệm, căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 - phiên bản chính thức, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tự đánh giá để biết mức độ rủi ro hiện có của cơ sở mình, trên cơ sở đó xác định những hoạt động ưu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro bị lây nhiễm COVID-19 và nâng mức an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Căn cứ trên kết quả tự đánh giá của các đơn vị, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại một số đơn vị nhằm góp ý các giải pháp cần triển khai để khắc phục các nguy cơ rủi ro lây nhiễm.

Nguyễn Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-nao-co-chi-so-rui-ro-lay-nhiem-covid-19-thap-nhat-o-tphcm-n172900.html