Bệnh viện nội cần làm gì để giữ chân bệnh nhân?
Giữ chân bệnh nhân để không 'chảy máu' ngoại tệ là điều mà ngành Y tế đang nỗ lực thực hiện bằng các giải pháp nâng cao chất lượng bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối đã không ngừng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa các bác sĩ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật hiện đại và ứng dụng vào điều trị thành công, cứu rất nhiều các ca bệnh khó.
Nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư
Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện (BV) K tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số, mỗi năm người Việt bỏ ra hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư. Để kéo giảm bệnh nhân ung thư trở về trong nước điều trị và thu hút người nước ngoài tới Việt Nam chữa bệnh là điều mà nhiều bệnh viện tuyến đầu đang hướng đến.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, ngoài nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ người bệnh, trong vài năm lại đây, Bệnh viện K không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng tầm với các nước tiên tiến trong khu vực trên thế giới như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới nhất, hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng, hệ thống xạ phẫu hiện đại nhất hiện nay, hệ thống phẫu thuật robot điều khiển từ xa, hệ thống trung tâm pha chế thuốc tập trung,… Tỉ lệ điều trị khỏi một số bệnh ung thư của BV K ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (tỉ lệ điều trị thành công ung thư vú đạt 75%, ngang với Singapore).
GS Trần Văn Thuấn cũng cho biết thêm, trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam đã có một số tiến bộ mới, giúp người bệnh được phát hiện sớm, tăng tỷ lệ chữa trị khỏi và kéo dài thời gian sống thêm. Điển hình, cụm công trình khoa học “Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú” mới đây của nhóm tác giả BV K đã chỉ ra việc ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử FISH – phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang trong chẩn đoán và liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab đã cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho người bệnh ung thư vú có độ ác tính cao “thụ thể HER2 dương tính”.
Các BV, Trung tâm ung bướu trên toàn quốc hiện đã được trang bị những thiết bị tối tân như hệ thống PET/CT cho khả năng xác định tổn thương chính xác, chẩn đoán sớm và đúng giai đoạn bệnh; hệ thống can thiệp mạch số hóa xóa nền DSA hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp bệnh lý vùng não, lồng ngực và tim mạch; hệ thống xạ phẫu Gamma Knife đối với các tổn thương não ở vị trí khó tiếp cận bằng phẫu thuật, giúp rút ngắn thời gian điều trị; phẫu thuật nội soi Robot giúp cho những ca mổ được thực hiện chính xác, giảm biến chứng, nhanh lành và đảm bảo tính thẩm mỹ; ứng dụng các liệu pháp miễn dịch, phương pháp điều trị nhắm trúng đích cho các bệnh ung thư vú, phổi, dạ dày…; ứng dụng các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến thể tích hình cung (VMAT), xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị định vị toàn thân (SBRT) cho ung thư cổ tử cung, gan, phổi...
Đặc biệt, những dịch vụ kỹ thuật này đều nằm trong danh mục được cơ quan BHXH chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT. “Người dân Việt Nam giờ đã có thể hoàn toàn tin tưởng lựa chọn các cơ sở y tế trong nước để khám và điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực ung bướu với chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới” – GS Trần Văn Thuấn cho biết.
Theo chia sẻ của PGS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, một GS người nước ngoài từng nói với ông rằng, ở Việt Nam, mặt bệnh rất phong phú và đông bệnh nhân, chính vì vậy, bác sĩ của Việt Nam sẽ giỏi vì được gặp nhiều “bệnh lý đa dạng”. Còn ra chữa bệnh tại một nước mà rất dân số rất ít, làm sao có đông bệnh nhân để cho bác sĩ “thực hành, thi thố”. Ngành y là y học thực hành, nếu chỉ ôm một mớ lí thuyết mà không có thực hành thì người bác sĩ không bao giờ giỏi được.
Đó là chưa kể, đặc điểm bệnh lí của người Việt Nam cũng rất khác. Cùng một bệnh nhân là ung thư gan, ở nước ngoài qua tầm soát, họ phát hiện giai đoạn đầu của bệnh, khi đó u gan còn rất bé, nên có thể đốt cũng hiệu quả. Nhưng u gan ở Việt Nam, khi bệnh nhân đến BV Việt Đức thì hầu hết đã di căn (số phát hiện sớm chỉ 5% – 10% ca bệnh), mà “phát hiện muộn thì ở Việt Nam hay ra nước ngoài cũng chịu. Nhiều người ở giai đoạn cuối cố ra nước ngoài chỉ mong ở nơi có nền y học tiên tiến có thể cứu được họ, nhưng đều phải thất bại quay về sau khi đã tốn rất nhiều tiền.
Triển khai nhiều kỹ thuật mới chữa những ca bệnh khó
Nếu như người Việt đổ ra nước ngoài chữa bệnh nan y, đặc biệt bỏ ra số tiền cao gấp 3-5 lần để ra nước ngoài ghép tạng, thì kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy với nhiều BV trong nước. Hiện nay, nhiều BV đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng khó như ghép gan, tim, phổi, giá thành rẻ hơn nhiều lần so với ra nước ngoài.
Đặc biệt, BV Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật chia gan để ghép hay ghép đa tạng (ghép 5-6 tạng cùng lúc) không thua kém bất cứ một Trung tâm ghép tạng lớn nào trên thế giới. Ghép phổi là kỹ thuật ghép tạng khó nhất hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà còn với các nước có nền y học tiên tiến, nhưng ở nhiều BV trong nước đã thực hiện được kỹ thuật này thành công.
Thế nhưng, nhiều người lại chọn ra nước ngoài chữa bệnh, có khi họ đi theo “cò”, bị dẫn đi vòng vèo tới bệnh viện tuyến huyện, không được vào bệnh viện lớn, vì thế chất lượng chữa bệnh cũng không cao. PGS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ông đã gặp nhiều bệnh nhân ra nước ngoài ghép tạng, các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị chống thải ghép với yêu cầu rất cao. Ông cho rằng, phác đồ đó không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, thậm chí còn có hại.
Theo PGS Nguyễn Tiến Quyết, hiện nhiều BV tuyến đầu đã làm chủ được các kỹ thuật khó, chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Nhiều trung tâm y tế lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế có đầy đủ phương tiện hiện đại để chẩn đoán và điều trị, thậm chí có những BV tư nhân, cơ sở vật chất sánh ngang với các nước phát triển. Nhiều bác sĩ nước ngoài còn đến Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều người nước ngoài còn tìm đến Việt Nam để chữa bệnh.
Năm 2018, các BV trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú. Ngay trong lĩnh vực đột quỵ đã có nhiều đột phá, nếu bệnh nhân còn “trong giai đoạn vàng”, ngoài đặt stent, các bác sĩ còn dùng dụng cụ để lấy khối máu ra, lập tức bệnh nhân tỉnh ngay. Rồi các kỹ thuật khó như đặt ống mổ nội soi, can thiệp sớm bào thai, hay lĩnh vực tế bào gốc, Việt Nam có nhiều thành tựu. Đó là chưa kể, đội ngũ bác sĩ ở Việt Nam lăn lộn với cuộc sống khám chữa bệnh nên giàu kinh nghiệm.
“Tôi cho rằng, muốn giữ chân người bệnh chữa trị trong nước, các bác sĩ phải làm việc thật chuyên nghiệp, nhiệm vụ của họ là phải cứu chữa bệnh nhân hết mình, tìm đủ mọi cách cứu chữa, để khi cố gắng tối đa mà không cứu chữa được thì không phải ân hận. Nhưng còn một nguyên nhân nữa là do người dân thiếu thông tin, do chúng ta truyền thông chưa được tốt, nên họ không nắm bắt được những tiến bộ của y học trong nước.
Có những bệnh nhân sau khi được chúng tôi tư vấn kĩ đã từ bỏ ý định ra nước ngoài, và họ đã điều trị thành công ở trong nước. Và chiến lược giữ chân người bệnh chữa trị trong nước chỉ riêng ngành Y tế làm thôi thì chưa đủ, cần sự chung tay của cả cộng đồng”.
Bộ Y tế đang đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì họ di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Cục đang được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thu hút khám chữa bệnh cho người nước ngoài và người có thu nhập cao. Khi thực hiện theo đề án sẽ giúp các bệnh viện giảm tải để hướng tới các khách hàng là người nước ngoài.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/benh-vien-noi-can-lam-gi-de-giu-chan-benh-nhan-574453/