Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) tự tạo đối thủ cạnh tranh?
Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) vừa công bố hoàn tất thủ tục thành lập hai pháp nhân mới có cùng… ngành nghề hoạt động và địa chỉ.
Nguy cơ xung đột lợi ích
Pháp nhân thứ nhất là Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt Quốc tế TNH, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng, trong đó, TNH sở hữu 45% cổ phần. Pháp nhân thứ hai là Công ty cổ phần Bệnh viện Sản Nhi Quốc tế TNH, với vốn điều lệ 90 tỷ đồng, TNH sở hữu 48% cổ phần.
Cả hai công ty này đều có cùng địa chỉ với TNH (tại 328 đường Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Đáng nói là chuyên khoa khám chữa bệnh của hai bệnh viện thuộc hai pháp nhân mới này quản lý (mắt và sản nhi) cũng là hai chuyên khoa chính của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Việc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và hai bệnh viện mới đều ở cùng một địa chỉ, cùng sở hữu thương hiệu TNH sẽ khó tránh khỏi xung đột về tệp khách hàng, nhất là khi TNH không nắm quyền kiểm soát tại hai bệnh viện này.
Việc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và hai bệnh viện mới đều ở cùng một địa chỉ, cùng sở hữu thương hiệu TNH sẽ khó tránh khỏi xung đột về tệp khách hàng.
Thêm nữa, việc thành lập hai bệnh viện mới này diễn ra trong bối cảnh áp lực cạnh tranh trên thị trường vốn không nhỏ.
Bản cáo bạch niêm yết của TNH cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngoài Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thì còn có 12 bệnh viện khác, trong đó có 8 bệnh viện công lập và 4 bệnh viên tư nhân, với quy mô từ 50 - 1.200 giường bệnh.
Được biết, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên hiện có quy mô 150 giường bệnh và theo dự kiến trong giai đoạn từ 2021 - 2024 sẽ nâng cấp lên 300 giường bệnh. Quy mô hoạt động của Bệnh viện lớn hơn so với các bệnh viện tư nhân khác (đều có quy mô 50 giường bệnh), nhưng so với các bệnh viện công lập thì vẫn nhỏ hơn nhiều.
Thái Nguyên, với quy mô dân số 1,29 triệu dân (thống kê tại thời điểm năm 2019), đông dân thứ 27 trong các tỉnh, thành phố trên cả nước, thu nhập người dân ngày một cải thiện và là trung tâm của vùng Việt Bắc, được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của dịch vụ khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, có một thực tế là, khoảng cách địa lý từ Thái Nguyên tới Hà Nội cũng rất gần, chỉ hơn 70 km và nhiều người dân bỏ qua bệnh viện tuyến tỉnh để về các bệnh viện Trung ương khám chữa bệnh.
Bài học từ thị trường chứng khoán
Nhìn ra các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, có nhiều bài học kinh nghiệm về xung đột lợi ích cũng như chống xung đột lợi ích.
Câu chuyện tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) là một ví dụ điển hình. Việc thành lập các pháp nhân mới cùng ngành nghề với tỷ lệ sở hữu dưới 51% đã dẫn tới mâu thuẫn kéo dài trong nội bộ CTD khi nhóm cổ đông lớn đặt dấu hỏi về việc các doanh nghiệp có vốn góp ngày càng lớn mạnh, còn CTD “phát triển không tương xứng với tiềm năng” và cuối cùng nhóm cổ đông sáng lập đã phải ra đi.
Ngược lại, việc Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) thành lập ba công ty TNHH do REE sở hữu 100% vốn điều lệ để quản lý các mảng kinh doanh chuyên biệt gần đây lại được thị trường đánh giá là nhằm tránh rủi ro xung đột lợi ích.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), để phát triển theo từng chuỗi cửa hàng, doanh nghiệp sở hữu 99,95% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Thế giới di dộng (chuỗi Thế giới di động), sở hữu 99,95% vốn tại Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (chuỗi Bách Hóa Xanh)…
MWG có 6 công ty con, tất cả các công ty này MWG đều sở hữu từ 99,95 - 100% vốn điều lệ. Điều này giảm thiểu đáng kể rủi ro cho các cổ đông về nguy cơ doanh nghiệp chuyển lợi nhuận sang các công ty liên doanh, liên kết.
Trở lại với câu chuyện tại TNH, nhà đầu tư cần lường trước rủi ro xung đột lợi ích trong tương lai như trường hợp CTD.
Đặc biệt, TNH là doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 6/1/2021, nhà đầu tư vẫn chưa kiểm chứng được hoạt động kinh doanh, cũng như khả năng thực hiện cam kết của Ban lãnh đạo đối với cổ đông.